DNVN - Sáng 4/4, tại Hà Nội, phái đoàn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhằm trao đổi các nội dung cho dự án sắp tới của JICA về hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chủ trì buổi làm việc
Thay mặt phái đoàn JICA, ông Yamada Tomoyuki - Phó Giám đốc cấp cao Tập đoàn Phát triển Lĩnh vực Tư nhân, Vụ Chính sách công và Phát triển Công nghiệp - JICA cho biết: Mục đích chính chuyến công tác lần này của JICA là thảo luận với các cơ quan của Việt Nam về dự án hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Mục đích chính của dự án là nhằm tăng cường năng lực của các cơ quan Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các kế hoạch của Chính phủ liên quan đến Luật Hỗ trợ DNNVV. JICA quan tâm: Ai là người sẽ quan tâm đến dự án này, ai sẽ là người thực hiện dự án hiệu quả, và hiệu quả của dự án phải do chính những người thụ hưởng đánh giá, tức là các doanh nghiệp SME.
Ông Yamada Tomoyuki chia sẻ, JICA có nhiều đề xuất để thực hiện dự án từ phía các nhóm chuyên gia tư vấn của Nhật Bản nhưng JICA cần tìm hiểu sâu hơn để cân nhắc đưa ra nội dung mục tiêu trọng tâm cho dự án.
JICA đã làm việc với một số cơ quan của Chính phủ, đồng thời tiến hành khảo sát, tham vấn từ các tổ chức Hiệp hội doanh nghiệp.
Ông Tô Hoài Nam khẳng định, hoạt động hỗ trợ của JICA là rất quan trọng và cần thiết. SME cần những sự hỗ trợ như thế nhưng các bước hành động phải rất cụ thể, các nội dung cần tham vấn trước khi xây dựng nội dung chương trình như thế này là rất hữu ích.
Thực tế, có nhiều chương trình đào tạo của các Bộ, Ngành từ vốn ngân sách hoặc do tổ chức quốc tế tài trợ dành cho doanh nghiệp, nhưng hiệu quả thấp. Điều đó được đánh giá bằng hình ảnh cụ thể: các buổi hội thảo chỉ đông lúc đầu, sau giờ giải lao mọi người bỏ về nhiều, người ở lại nhưng lại làm việc riêng chứ không chú trọng đến những nội dung hội thảo, bởi vì doanh nghiệp không nhìn thấy lợi ích của mình trong đó.
Ngay cả các hội thảo lớn có đông đảo Bộ, Ngành và quan chức Chính phủ tham dự thì số lượng doanh nghiệp SME tham gia cũng rất ít.
Hiện nay khung pháp lý là Luật Hỗ trợ DNNVV đã có, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng đã có nhưng hầu như doanh nghiệp chưa được thụ hưởng. Các biện pháp cụ thể chưa rõ ràng, thiếu tính thực tế. Nguyên nhân một phần do năng lực của SME, nhưng một phần lớn là do cách làm việc của nhiều công chức, viên chức nhà nước chưa sâu sát. Doanh nghiệp không có câu trả lời cụ thể cho vấn đề mà họ cần, vì vậy họ đành chấp nhận giải pháp chi phí ngầm để được việc.
Ông Tô Hoài Nam cũng nêu rõ, SME Việt Nam hiện đang đối mặt với 3 khó khăn lớn nhất và dai dẳng nhất, đó là thị trường ổn định, vốn trung hạn và mặt bằng sản xuất kinh doanh. Dự án của JICA cần có các biện pháp hỗ trợ kỹ thuật tập trung vào đào tạo bài bản để nâng cao năng lực của doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp có khả năng hơn trong việc tiếp nhận được những nguồn hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.
Là tổ chức xã hội - nghề nghiệp lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp SME, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh: VINASME có khả năng cung cấp tất cả các dịch vụ để hỗ trợ cho doanh nghiệp và bày tỏ mong muốn JICA quan tâm đến VINASME, ít nhất trong các bước tham vấn để xây dựng chương trình như thế này để đề xuất những nội dung thiết thực nhất, đồng thời được tham gia góp ý và được bảo vệ quan điểm trong gói hỗ trợ của JICA cho SME Việt Nam, qua đó góp phần bảo vệ lợi ích cho cộng đồng SME.
Ghi nhận và đánh giá cao vai trò của VINASME, ông Yamada Tomoyuki khẳng định JICA sẽ tiếp tục trao đổi và liên hệ với VINASME về việc thực hiện dự án hỗ trợ SME với mục tiêu đảm bảo cho khối DN này phát triển ổn định, bền vững, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Bài, ảnh: Nguyệt Minh