Vĩnh Long: Du lịch Bình Minh như 'nàng công chúa ngủ trong rừng', chưa được đánh thức
Sắp ra mắt dự án "Nâng tầm tri thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam" / Nguồn tài trợ ‘xanh’ rất lớn: Doanh nghiệp làm gì để nắm cơ hội?
Mới đây, UBND thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức hội nghị kết nối và phát triển du lịch năm 2024, nhằm giúp các ngành chuyên môn, các doanh nghiệp du lịch, hợp tác xã, nhà vườn có thêm những tư liệu về vùng đất Bình Minh.
Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long sở hữu view sông Hậu cực đẹp với chiều dài 13km.
Hội nghị nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, quảng bá, kết nối phát du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm giới thiệu về hình ảnh con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng du lịch của địa phương đến đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Thông qua hoạt động kết nối để xúc tiến, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Bình Minh.
Theo ngành văn hóa của địa phương, vùng đất Bình Minh - xứ Cái Vồn, từ xưa đã là nơi “đất lành chim đậu”, hội tụ 3 dân tộc: Kinh, Khmer, Hoa, cùng cộng cư, đoàn kết trong cuộc khẩn hoang mở đất, kháng chiến giữ đất; xây dựng và phát triển quê hương. Từ một thôn nhỏ, qua hơn 200 năm hình thành, vượt bao chặn đường gian khó. Đến nay, Bình Minh đã trở thành thị xã - đô thị ven sông Hậu, đang trên đường tăng tốc phát triển.
Hơn thế nữa, thị xã Bình Minh có vị trí rất đặc biệc, là cửa ngõ phía Bắc của thành phố Cần Thơ, cửa ngõ cực Nam của tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, cũng là trục kết nối chiến lược quốc lộ 1A - tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, vượt sông Hậu đến tận Cà Mau. Trong tiến trình đô thị hóa, Bình Minh đang chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế: công nghiệp - thương mại, dịch vụ - nông nghiệp chất lượng cao. Bình Minh từng bước phát triển du lịch, khơi dậy tiềm năng, lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên nhiên và con người.
Nông dân thị xã Bình Minh thu hoạch trái Thanh Trà, một trong những loại trái cây nổi tiếng của địa phương.
Nhằm phát huy lợi thế, thành quả đạt được, theo quy hoạch chung của thị xã Bình Minh đến năm 2035, trở thành đô thị hạt nhân phía Nam, kết nối với trung tâm thành phố Cần Thơ; đầu mối giao thương về kinh tế và đầu mối giao thông của vùng trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long và là trung tâm du lịch sinh thái đặc trưng của vùng.
“Để cụ thể hóa quy hoạch, giai đoạn 2025 - 2030 định hướng phát triển du lịch trên địa bàn thị xã Bình Minh sẽ tập trung phát triển du lịch cộng đồng - du lịch nông nghiệp, sinh thái sông nước, hình thành các “khu du lịch bưởi Năm Roi”, “khu du lịch Thanh Trà”, “khu du lịch đồng cải Xà lách xoong”… Kết hợp du lịch làng, xóm nghề: “làng nghề tàu hủ ky trăm năm - Mỹ Hòa”, cùng các khu “du lịch hoài niệm phà Cần Thơ - Cái Vồn”, gắn với “xóm Bắp”, “xóm Nhang”, “xóm Bầu cải” và du lịch văn hóa tâm linh như đình Mỹ Thuận, chùa cổ Đông Phước, chùa Bồ Đề, chùa Tòa Sen, chùa Phù Ly 1…
Song song đó, thị xã Bình Minh có chính sách đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, tường bước xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng”, ngành văn hóa địa phương nêu định hướng thời gian tới.
Bưởi Năm Roi đặc sản nổi tiếng tại Vĩnh Long, có nguồn gốc từ xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh.
Tại hội nghị, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng, trong tình hình ngày nay, du lịch đã được quốc tế và Việt Nam xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trước thực tế trên, nhất định thị xã Bình Minh sẽ hòa vào dòng chảy chung, ra sức xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính khác biệt, đặc trưng, đặc thù, độc đáo.
“Bởi chúng ta khá lạc quan, vì Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khu du lịch nông nghiệp, du lịch vườn; nhưng mấy nơi có vườn đặc sản bưởi Năm Roi, trái Thanh Trà, cải Xà lách xoong nổi tiếng. Những miếng tàu hủ ky Mỹ Hòa ngon, giòn bán đi khắp gần, xa. Về cảnh quan thiên nhiên Bình Minh sở hữu view sông Hậu cực đẹp dài 13 km. Từ đây, du khách có thể ngoạn cảnh sông nước mênh mông, ngắm hoàng hôn xuống bên kia thủ phủ Tây Đô. Thế nhưng nguồn tài nguyên du lịch Bình Minh đến nay, vẫn như nàng "nàng Công chúa ngủ trong rừng", chưa được đánh thức”, soạn giả Nhâm Hùng nhận định.
Theo soạn giả Nhâm Hùng, nhìn tổng thể, ngoài điểm du lịch nghỉ dưỡng Eco Bình Minh trên địa bàn, tới thời điểm này, Bình Minh chưa có 1 khu, điểm du lịch nào hoạt động chính thức, đúng thực chất một sản phẩm du lịch.
Để góp thêm chủ trương, phát triển du lịch Bình Minh một cách cụ thể, qua khảo sát thực tế địa bàn, ông Hùng đề xuất mạng lưới hợp tác xã, các nhà vườn: bưởi Năm Roi, trái Thanh Trà, cải Xà lách xoong, làng nghề làm Tàu hủ ky, nên nắm bắt cơ hội mạnh dạn tham gia kinh doanh du lịch; tổ chức không gian du lịch bên cạnh khu vườn trái, hay cơ sở sản xuất, bao gồm các dịch vụ, nhằm thỏa mãn nhu cầu du khách theo quy trình: "Tham quan - trải nghiệm - thưởng thức - giải trí - mua mang đi".
Tổ chức đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ viên có tay nghề. Cần sử dụng, đưa đi học nghề, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trẻ, con cháu các nhà vườn, cơ sở sản xuất. Hướng dẫn cho du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm, thường ngoan, thưởng thức. Xây dựng, tạo chuỗi liên kết giữa các khu du lịch với các điểm tham quan khác như: các đình, chùa xưa có kiến trúc đẹp, hay khu ẩm thực - món ngon nổi tiếng.
Bên cạnh vườn, rẫy thì mạng lưới sông, rạch, kinh chằng chịt trên địa bàn thị xã Bình Minh là thế mạnh, nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, trong xu hướng phát triển du lịch đường sông hiện nay cần được khai thác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo