Hỗ trợ doanh nghiệp

Xuất khẩu sang Nigeria: Cẩn trọng kẻo mắc bẫy các chiêu trò lừa đảo

DNVN - Bên cạnh thị trường 200 triệu người tiêu dùng của Nigeria, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn có thể tiếp cận thị trường các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi mà Nigeria là thành viên. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) cần cẩn trọng với các chiêu trò lừa đảo dưới nhiều hình thức và khó lường.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chủ động bảo đảm đủ nguồn điện trong mùa khô 2022 / Hợp tác đổi mới đo lường trong sản xuất, kinh doanh điện để hỗ trợ doanh nghiệp

Tiềm năng lớn
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Nigeria do Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Nigeria phối hợp tổ chức ngày 7/4, ông Trần Hùng Cường - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nigeria cho biết Nigeria là quốc gia có dân số trên 200 triệu người, đông nhất châu Phi, là thị trường tiềm năng đối với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria năm 2021 đạt 158,04 triệu USD, tăng 17,1% so với năm 2020. Riêng 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Nigeria đạt giá trị 16,32 triệu USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều DN tham gia phiên tư vấn qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Trong quan hệ thương mại với Nigeria, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Nigeria là sản phẩm công nghiệp như hàng dệt may; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng; điện thoại di động và linh kiện; túi xách, ví, vali, mũ, ô và dù; chất dẻo nguyên liệu. Các mặt hàng này đều có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nigeria, trong đó tăng cao nhất là mặt hàng dệt may và chất dẻo nguyên liệu. Thị trường Nigeria hiện không quá khắt khe đối các mặt hàng nhập khẩu phục vụ sản xuất.
Về cơ cấu hàng nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu mặt hàng điều và gỗ từ Nigeria. Nigeria là một trong các quốc gia sản xuất điều nguyên liệu của thế giới và là nước sản xuất điều lớn thứ 4 tại châu Phi. Hiện hạt điều chiếm khoảng 50% kim ngạch ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nigeria, hầu hết là điều thô.
Ông Cường nhấn mạnh, bên cạnh thị trường 200 triệu người tiêu dùng của Nigeria, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam còn có thể tiếp cận thị trường các nước thuộc Cộng đồng kinh tế Tây Phi mà Nigeria là thành viên khi các quy định, tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu giữa thị trường các nước khá tương đồng. Với 4 cảng lớn là Lagos, Warri, Port Harcourt và Calabar, Nigeria hiện là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng hàng đầu của khu vực Tây Phi.
Ngoài ra, Nigeria đã chính thức tham gia Hiệp định thương mại tự do Châu Phi (AfCFTA) gồm 54/55 quốc gia tại châu lục này. AfCFTA là hiệp định thương mại tự do lớn nhất trên thế giới về số lượng các quốc gia tham gia, kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới và có thể hình thành một khu vực thị trường chung rộng lớn với hơn 1,2 tỷ người tiêu dùng, tạo ra một khối kinh tế 3,4 nghìn tỷ USD.
Nhiều chiêu trò lừa đảo
Theo ông Cường, thị trường Nigeria nói riêng và khu vực Tây Phi nói chung được đánh giá rất tiềm năng cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên DN khi xuất khẩu hàng sang đây cần cẩn trọng với hiện tượng lừa đảo.
Hình thức lừa đảo của các đối tượng tương đối đa dạng, có thể lừa đảo trong đấu thầu, trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Đáng chú ý, đối tượng lừa đảo thường ký hợp đồng xuất khẩu hàng hóa cho các DN Việt Nam. Thực hiện giao 1-2 hợp đồng đúng thời hạn, chất lượng sản phẩm tốt nhằm tạo ra sự tin tưởng. Từ hợp đồng thứ ba, đối tượng yêu cầu DN Việt Nam chuyển tiền đặt cọc từ 30% - 50% trị giá hợp đồng, chiếm đoạt số tiền này và không giao hàng.

Ông Trần Hùng Cường cảnh báo các DN về các chiêu trò lừa đảo khi làm ăn với đối tác Châu Phi.

Do đó, để an toàn trong tìm kiếm khách hàng tại Nigeria nói riêng và châu Phi nói chung, DN Việt Nam khi giao dịch tại khu vực châu Phi cần thẩm tra, xác minh DN kỹ trước khi thực hiện hợp tác và ký kết hợp đồng.
Để tránh bị rủi ro, khi ký hợp đồng xuất khẩu-nhập khẩu, DN trong nước nên áp dụng hình thức thanh toán thư tín dụng không hủy ngang, thanh toán ngay.
Đối với các DN xuất khẩu Việt Nam, nếu thanh toán theo hình thức cọc thì nên yêu cầu đối tác đặt cọc từ 30%-50% giá trị đơn hàng đối với các đơn hàng mới và lần đầu. Không nên chuyển tiền với bất cứ hình thức nào khi đối tác đề nghị.
Nếu nhập khẩu về Việt Nam, cần tiến hành kiểm định hàng hóa tại nước sở tại trước khi đưa hàng lên tàu hoặc thuê các công ty kiểm định có uy tín để đảm bảo chất lượng hàng hóa. Nếu có thể, trong giai đoạn đầu nên sang trực tiếp để gặp gỡ nhà cung cấp, giám sát việc thu mua và chất hàng lên tàu.
Đặc biệt, các DN nên liên hệ với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại thị trường khu vực này. Tích cực tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế, diễn đàn doanh nghiệp, đoàn nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương và các hiệp hội tổ chức hoặc qua đối tác quen biết giới thiệu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm