Đầu tư đội tàu container quốc gia để tránh bị hãng tàu ngoại chèn ép giá cước, đảm bảo an ninh kinh tế
DNVN - Việc đầu tư phát triển đội tàu container quốc gia sẽ giúp hạn chế sự chèn ép của các hãng tàu ngoại về giá cước, phụ phí, đồng thời về lâu dài là công cụ để bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước.
Vĩnh Long hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số / Tư vấn cho doanh nghiệp tìm cơ hội xuất khẩu sang Hồng Kông
Đội tàu container Việt Nam còn quá nhỏ
Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) vừa chủ động đề xuất phát triển đội tàu container tầm cỡ khu vực chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu của nước ta bằng đường biển.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), vấn đề phát triển đội tàu vận tải biển Việt Nam đã được nhiều Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một kế hoạch nào được thực hiện.
Thực tế hiện nay có nhiều khó khăn về vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường biển, đặc biệt do tình trạng ùn tắc tại các cảng, đứt gãy chuỗi cung ứng gây nên thiếu tàu và vỏ containers làm cho giá cước vận tải container tăng vọt ảnh hưởng nặng nề tới xuất nhập khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu. Gần như toàn bộ năng lực vận chuyển và kèm theo là tiền cước vận chuyển hàng hóa bằng container đi các tuyến liên lục địa nằm trong tay các chủ tàu nước ngoài, Nhà nước phải chi một nguồn ngoại tệ rất lớn hàng năm.
Theo đánh giá của VLA, việc có đội tàu container không chỉ đơn thuần hạn chế sự chèn ép của các hãng tàu ngoại về giá cước cũng như phụ phí mà về lâu dài là công cụ để bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước, thực hiện có hiệu quả các hiệp định FTA đang có hiệu lực.
Theo VLA, về lâu dài việc có đội tàu container quốc gia là công cụ để bảo đảm an ninh kinh tế của đất nước.
Để xây dựng và phát triển đội tàu container quốc gia, không thể chỉ tính toán lỗ lãi trong thời gian ngắn mà phải có tầm nhìn lâu dài và phải coi đây là biện pháp cốt lõi hạ thấp chi phí logistics quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và là biện pháp bảo đảm thực hiện tốt việc phát triển kinh tế của đất nước, một quốc gia có nhiều tiềm năng về kinh tế biển như nước ta, nhất là khi tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Khoảng 90% khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam được chuyên chở bằng đường biển. Tốc độ hàng hóa thông qua cảng biển nước ta tăng bình quân 10%-15% năm. Tuy nhiên, đội tàu biển Việt Nam chỉ đảm nhiệm vận tải được khoảng 7% thị phần. Còn lại nằm trong tay các hãng tàu nước ngoài. Các tàu container của Việt Nam chủ yếu hoạt động trên tuyến nội địa và các tuyến ngắn trong khu vực nội Á.
Tính đến 25/3/2022, đội tàu container trên thế giới đã có 6.346 tàu với tổng sức chở 25,5 triệu TEU, tổng trọng tải 305.902.000 DWT.
Trong khi đó đội tàu container của Việt Nam còn quá nhỏ bé, đến 31/3/2022 cả nước có 10 Công ty vận tải container, sở hữu 48 tàu container với tổng sức chở 39.519 TEU, tổng trọng tải 548.236 DWT.
Trong đó có tới 13 tàu trên 25 tuổi, 3 tàu trên 20 tuổi, 15 tàu có trọng tải từ 300 TEU đến dưới 600 TEU chỉ có thể chạy ở trong nước, còn lại 17 tàu có trọng tải từ 600 TEU trở lên trong đó có 14 tàu có trọng tải từ 1.000 đến 1.800 TEU có thể chạy các tuyến ở khu vực Nội Á.
Do đó, VLA cho rằng, việc đầu tư phát triển đội tàu container để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo chủ động, kinh tế, an toàn cho xuất nhập khẩu và nền kinh tế của quốc gia là rất cấp thiết.
Lộ trình phát triển cụ thể
Trao đổi với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Ngô Khắc Lễ - Phó Tổng thư ký VLA cho biết, Đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam do Bộ Giao thông vận tải đưa ra từ mấy chục năm nay với nội dung chung chung, trong đó chỉ đề cập có phương hướng phát triển đội tàu mạnh của Việt Nam nhưng để phát triển đội tàu như thế nào thì chưa nêu cụ thể.
Do đó, VLA đưa ra các phương án phát triển cụ thể với mong muốn Việt Nam hình thành và phát triển được đội tàu container quốc gia, qua đó hạ thấp chi phí logistics quốc gia, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và bảo đảm thực hiện tốt việc phát triển kinh tế của đất nước.
Theo ông Ngô Khắc Lễ, VLA mong muốn có đội tàu container quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam và bảo đảm thực hiện tốt việc phát triển kinh tế của đất nước.
"Tất nhiên không thể có đội tàu ngay vì việc xây dựng đội tàu đòi hỏi cả một quá trình dài, cần nhiều phương hướng, quyết định của Chính phủ với các cơ chế đặc biệt mới làm được. Chúng tôi có suy nghĩ rằng không bắt đầu thì không bao giờ làm được. Càng để lâu thì càng bị các hãng tàu ngoại chèn ép về giá cước cũng như phụ phí, tác động lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam", ông Lễ chia sẻ.
VLA cho rằng, để phát triển đội tàu container cần phải đầu tư đồng bộ cả ba yếu tố hình thành nên loại hình vận tải này, bao gồm tàu chuyên dụng chở container, vỏ container và mạng lưới phục vụ khách hàng, đội tàu ở tất cả các cảng chính mà tàu sẽ đến.
Theo VLA, nên chia làm hai giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I kéo dài khoảng 3 đến 5 năm: Chỉ tập trung đầu tư các loại tàu phù hợp để hoạt động trên các tuyến Nội Á.
Giai đoạn II kéo dài khoảng 5 năm tiếp theo, sau khi đã hoạt động thành công ở khu vực Nội Á cùng với đối tác, chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư các loại tàu container lớn hơn từ Panamax, Post Panamax có trọng tải 4000 – 5500 - 6500 TEU, tàu container cỡ lớn – LCS trọng tải từ 7000 – 11000 TEU và có thể cả tàu cỡ rất lớn VLCS, ULCS trọng tải từ 11.000 - 14.000 và 18.000 TEU để tham gia vận chuyển trên các tuyến liên lục địa chính của thế giới như tuyến Châu Á – Mỹ, tuyến Châu Á – Châu Âu, tuyến Đông – Tây...
Ở giai đoạn đầu, tổng số tàu dự kiến cần trong năm thứ nhất là 14 tàu loại 1800 – 2500 TEU, năm thứ hai 20 tàu loại 1800 – 2500 TEU (thêm 6 tàu cùng loại). Từ năm thứ ba trở đi cần 20 tàu loại 1800 – 2500 TEU và 6 tàu loại 4000 – 5500 TEU (thêm 6 tàu lớn để kết hợp chạy từ Đông Bắc Á xuống Việt Nam – Singapore - Ấn Độ - Trung Đông và ngược lại).
Theo đề xuất của hiệp hội này, trong giai đoạn I của phát triển đội tàu container phục vụ xuất khẩu sẽ cần khoảng 1,5 tỷ USD. Trong đó, tổng đầu tư tối thiểu cho tàu container giai đoạn đầu ước tính sẽ là 1 tỷ USD, vỏ tàu 500 triệu USD.
Về phương án huy động vốn, VLA đề xuất huy động nguồn vốn tư nhân để đầu tư là chủ yếu, có kết hợp với các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ. Tổ chức hợp tác giữa các doanh nghiệp chủ hàng lớn, như cơ khí - sắt thép, dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản, lương thực… trong việc góp vốn cùng đầu tư đội tàu viễn dương đồng thời bảo đảm kết hợp nguồn hàng XNK với khối lượng lớn cho đội tàu. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics Việt Nam có sự phối hợp chặt chẽ trong việc lưu cước tàu...
Theo VLA, vấn đề phát triển đội tàu container để vận chuyển hàng hóa XNK của nước ta cần được các chuyên gia, các bộ, ngành liên quan tham gia ý kiến để Đề án phát triển đội tàu biển Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải được trình Chính phủ phê duyêt và thực hiện có kết quả.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo