Hỗ trợ doanh nghiệp

Chào hàng tại Hồng Kông: Doanh nghiệp cần chú ý văn hóa "10 người thử, 9 người mua"

DNVN - Tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông ngày 6/4, các diễn giả đã đưa ra nhiều lời khuyên cũng như khuyến cáo cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng thực phẩm, nông sản sang thị trường này. Trong đó, văn hóa thử hàng tại nơi vốn được coi là thủ đô ẩm thực của thế giới là điều mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý.

Vĩnh Long hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số / Tư vấn cho doanh nghiệp tìm cơ hội xuất khẩu sang Hồng Kông

Nhiều dư địa xuất khẩu nông sản
Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về tình hình hiện tại, cũng như xu hướng tương lai và đặc biệt là các quy định, chính sách của thị trường Hồng Kông đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu tiềm năng.
Tại sự kiện, bà Bùi Thị Thanh An - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) là một trung tâm tài chính quan trọng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời là một trong những nền kinh tế năng động hàng đầu trong khu vực và quốc tế.
Việt Nam và Hồng Kông có quan hệ hợp tác gắn bó lâu dài. Trong nhiều năm liền, Việt Nam luôn nằm trong top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Hồng Kông.

Theo bà Bùi Thị Thanh An, xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hồng Kông chưa cao.
Năm 2021, dù bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hồng Kông vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, đạt 13,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 12 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm 2020 và chiếm 3,6% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Trong quan hệ thương mại với Hồng Kông thời gian qua, Việt Nam luôn giữ vị thế xuất siêu, thể hiện năng lực sản xuất và vị trí của Việt Nam trong mối quan hệ liên kết chuỗi chặt chẽ với Hồng Kông. Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam sang Hồng Kông là nhóm hàng chế biến, chế tạo, dệt may, da giày, nông lâm, thủy sản, lương thực, thực phẩm…
Trong 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Hồng Kông đạt 1,655 tỷ USD, giảm 7,9%. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hồng Kông đạt 309,7 triệu USD, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Cho đến năm 2020, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hồng Kông chưa cao, chủ yếu là hàng thủy sản, một số loại rau quả và gạo. Việc thực thi trong khuôn khổ hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Hồng Kông, Trung Quốc (AHKFTA) đã thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu nông, thủy sản và thực phẩm chế biến từ Việt Nam sang thị trường Hồng Kông trong những năm gần đây.
Chất lượng là yếu tố hàng đầu
Chia sẻ những điểm thuận lợi để hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam sang Hồng Kông, bà Vũ Thị Thúy – Trưởng Cơ quan Thương vụ, Thương vụ Việt Nam tại Hồng Kông (kiêm nhiệm Macao) cho biết, Hồng Kông không tự sản xuất hàng nông sản thực phẩm mà hầu hết phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản, Úc, Niu-di-lân, EU... Hồng Kông chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với 4 loại hàng hóa là rượu, thuốc lá, dầu hydrocacbon và rượu metylic.
Ngoài ra, quãng đường vận chuyển ngắn, nhiều điểm tương đồng trong thói quen tiêu dùng, khả năng tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao, thị trường có tính kết nối cũng là điểm cộng để DN Việt Nam kết nối hợp tác với đối tác Hồng Kông.

Bà Vũ Thị Thúy cho rằng, bên cạnh yếu tố thuận lợi, xuất khẩu thực phẩm, nông sản còn một số khó khăn.
Tuy nhiên, Hồng Kông yêu cầu cao về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), hệ thống cảnh báo nhanh nhậy, công tác hậu kiểm và nhãn mác rất nghiêm ngặt.
Nhấn mạnh đến yêu cầu cao về chất lượng và VSATTP, bà Thúy cho biết, Hồng Kông áp dụng các tiêu chuẩn về VSATTP của CODEX và OIE. Thương nhân nhập khẩu hàng thực phẩm phải duy trì hồ sơ kinh doanh để tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khuyến khích các nhà nhập khẩu có giấy chứng nhận y tế do cơ quan ATTP và y tế nước xuất khẩu cấp.
Với nhiều năm kinh nghiệm nhập khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản thực phẩm từ Việt Nam vào Hồng Kong, bà Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc Công ty Phát triển kinh doanh Việt Kwong cho biết, thị trường Hồng Kông tuy rất mở với hàng nhập khẩu, thậm chí không đánh thuế quan, tuy nhiên khâu hậu kiểm cực kỳ gắt gao và đặc biệt bảo vệ người tiêu dùng. Hàng hoá bị người tiêu dùng phản ánh tới cơ quan chức năng có thể bị phong toả, mất uy tín, thậm chí mất luôn thị trường.

Bà Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh với đối tác Hồng Kông.
Hồng Kông chỉ có hơn 7 triệu dân nhưng GDP bằng của Việt Nam. Nổi tiếng là thủ đô ẩm thực của thế giới, người dân nơi đây có mức sống cao nên họ ăn đồ ngon, chất lượng. Do đó, DN có sản phẩm chất lượng cao mạnh dạn xuất khẩu sang thị trường này.
Là thị trường khó tính, sản phẩm phải có chất lượng đặc sắc, nhưng Hồng Kông có văn hóa thử hàng và 10 người thử 9 người mua. Do đó, DN khi chào hàng nhất thiết phải cho họ thử. Với sản phẩm chất lượng cao, DN Việt Nam dễ dàng chinh phục được thị trường tiềm năng này.
DN cũng cần lưu ý rằng, thực phẩm, nhất là thực phẩm chế biến cần giảm tối đa lượng đường có trong sản phẩm. Người tiêu dùng Hồng Kông ưa dùng sản phẩm tốt cho sức khoẻ nhưng phải dễ chế biến. Sản phẩm không nên đóng gói với trọng lượng lớn, chỉ nên đóng gói nhỏ, khoảng 200-300 gram tuỳ với từng mặt hàng. Không nên đựng chất lỏng như nước mắm trong chai nhựa, mà phải dùng chai thủy tinh. Bao bì bắt mắt, ghi rõ thành phần dinh dưỡng, có điểm quan sát trực tiếp sản phẩm và nên sử dụng tiếng Hồng Kông trên bao bì.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm