Hỗ trợ doanh nghiệp

76% doanh nghiệp tạo tác động xã hội kêu thiếu vốn

DNVN - Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) đang là một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, theo kết quả một khảo sát mới đây, cộng đồng doanh nghiệp này đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó hơn 76% SIB than phiền thiếu vốn.

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng: Hiệp hội Doanh nghiệp là cầu nối vững chắc giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp / Đắk Lắk: Trao Giấy chứng nhận đầu tư Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao 1500 tỷ đồng

Từ ngày 17/2 - 14/4 vừa qua, đơn vị tư vấn TDI Consulting và Viện Phát triển Bền vững (Đại học Kinh tế quốc dân) đã tiến hành phỏng vấn và khảo sát hơn 150 SIB, 10 đơn vị trung gian hỗ trợ và 4 cơ quan quản lý Nhà nước về những thách thức của các SIB.
Ông Lê Quang Cảnh - đại diện nhóm tư vấn cho biết, kết quả khảo sát cho thấy khó khăn lớn nhất của các SIB là thiếu vốn (hơn 76%), đầu ra và tiêu thụ sản phẩm (47,9%), thiếu thông tin tài trợ (47%), Thiếu kiến thức kỹ năng quản lý doanh nghiệp (40,2%), chính sách và thủ tục hỗ trợ nói chung còn phức tạp (33,3%).

Các SIB đối mặt với nhiều khó khăn.
Ngoài ra, những khó khăn khác được các SIB nêu ra gồm hạn chế về mạng lưới kinh doanh, mặt bằng sản xuất kinh doanh, xã hội chưa hiểu về DN, thiếu lao động và quản lý đặc thù, chính sách thuế không ưu đãi...
Trong đại dịch, các SIB dễ bị tổn thương. Dù 85% và 81% SIB có kế hoạch ứng phó và đánh giá tác động của COVID-19 nhưng thị trường tiêu thụ sụt giảm, doanh thu suy giảm.
Cụ thể 47% SIB bị giảm doanh thu trong COVID-19 -ccao hơn các kết quả khảo sát của CSIP vào năm 2020, VCCI & World Bank năm 2021. Thêm vào đó chi phí đầu vào tăng cao (chi phí vận tải, nhập khẩu,…), việc làm bị giảm.
Về tỷ lệ SIB biết về các chính sách hỗ trợ, ông Cảnh cho biết, 44,4% các SIB nói rằng biết về chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, tỷ lệ này với DN sử dụng người dân tộc thiểu số là 55%, DN làm việc với nhóm người nghèo 51%, DN sử dụng nhiều lao động nữ 45,6%.
"Điều đáng lưu ý tỷ lệ DN nhận được hỗ trợ rất ít so với tỷ lệ DN biết về chính sách hỗ trợ. Trong đó, với DN do phụ nữ làm chủ tỷ lệ nhận được hỗ trợ là 11,7%, DN sử dụng người khuyết tật là 8,6%, DN sử dụng người dân tộc thiểu số chỉ 4,9%...", ông Cảnh nói.
Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu đề xuất các cơ quan quản lý Nhà nước cần năng cao năng lực bản thân cho các SIB, trong đó hỗ trợ tăng cường tiếp cận vốn, xây dựng chương trình đào tạo mới phù hợp với điều kiện của các SIB.
"Về đào tạo, nội dung bồi dưỡng cần cung cấp năng lực cho từng vị trí cụ thể. Xây dựng một nền tảng công nghệ cung cấp các khóa đào tạo trực tuyến cho các SIB. Nền tảng này được thiết kế và tích hợp với tài nguyên của Trung âm hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra, phương pháp đào tạo "cầm tay chỉ việc" tại DN nên được mở rộng nhằm hỗ trợ trực tiếp và giải quyết vấn đề của SIB", ông Cảnh khuyến nghị.
SIB được định nghĩa là tổ chức có hoạt động kinh doanh, gắn với mục tiêu xã hội và môi trường như là những giá trị cốt lõi. SIB thường có hoạt động sản xuất kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ tạo tác động tích cực cho môi trường và xã hội.

Theo đặc điểm, SIB là doanh nghiệp do phụ nữ hoặc các nhóm yếu thế làm chủ, sử dụng nhiều lao động nữ, sử dụng lao động khuyết tật, sử dụng lao động LGBT, sử dụng lao động dân tộc thiểu số.

SIB không những đạt mục tiêu lợi nhuận thuần túy mà còn mong muốn đạt các mục tiêu xã hội và môi trường. Khi doanh nghiệp lựa chọn hoạt động theo hướng mang tác động xã hội lớn hơn thì sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. SIB đang là một làn sóng làm thay đổi nhiều khía cạnh cuộc sống và triết lý kinh doanh của doanh nghiệp truyền thống.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm