Doanh nghiệp - Doanh nhân

Cần làm gì để người dân không đổ xô ra đường?

DNVN - Từ CHLB Đức, chuyên gia Lê Ngọc Sơn - Mạng lưới Chuyên gia Xử lý Khủng hoảng (BCS - Berlin Crisis Solutions) đã chia sẻ quan điểm về chính quyền cần làm gì để người dân không đổ xô ra đường?

Phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ còn khó khăn / Đà Nẵng: Cấp Thẻ vận chuyển cho nhân viên giao nhận hàng hóa đã tiêm vaccine

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn. Ảnh NVCC

Tiến sĩ Lê Ngọc Sơn (Ảnh NVCC)

Tôi thấy dịch xảy ra ở Việt Nam 2 năm rồi, mà việc xử lý vẫn như gà mắc tóc, cả cơ quan chức năng lẫn người dân cứ như “vờn nhau”.

Nhiều lúc, chính quyền các thành phố và người dân ở địa phương cứ như chơi trò “trốn tìm, mèo vờn chuột, úp sọt, ú tim nhau”. Trên mạng xã hội thì chia sẻ kín với nhau rất nhiều thông tin đồn đoán về các chính sách giãn cách, phong tỏa, “ai ở yên đó”. Rồi chính quyền khẳng định tin đó là tin giả, phải nghiêm trị, xong đến ngày hôm sau lại phát đi thông báo đúng như tin đồn.

Chống dịch mà “vờn nhau” kiểu vậy là thua, tốn năng lượng của cả chính quyền lẫn người dân. Câu trả lời là cần dùng tư duy lý tính, quản trị sự lây lan của dịch bệnh trên các bộ chỉ số. Càng lượng hoá rõ được thì càng tốt.

Cụ thể, khi áp dụng chính sách giãn cách, hay phong tỏa, chỉ khi nào chỉ số người nhiễm dưới 100 trong 100.000 dân, thì các lệnh tương ứng sẽ được tháo gỡ. Cuộc sống sẽ dần về với trạng thái bình thường mới.

Khẩu trang là điều bắt buộc trong mọi địa điểm công cộng và quán xá.

 

Các bộ chỉ số này đi kèm với chính sách dịch từng giai đoạn, và có điều chỉnh cho phù hợp với tình hình. Và dân được thông báo để biết. Dân nhìn bộ chỉ số này mà ứng xử, chủ động kế hoạch - cuộc sống của mình, quan chức thì dễ có lý để nói với người dân. Không ai bắt chẹt ai được cả, không ai ấm ức vì ai cả. Bức xúc xã hội không cần thiết, vì thế, được giảm thiểu.

Nếu làm được công khai, minh bạch, lý tính như thế này, đảm bảo dân Sài Gòn, Hà Nội sẽ không có cảnh ùn ùn đi mua hàng, lo sợ "úp sọt" một lệnh bất thình lình nữa.

Thực ra, COVID-19 quá khủng khiếp, quá nhanh về tốc độ nên ban đầu quản trị về dịch bệnh hầu như nước nào cũng có những lúng túng, sai lầm nhất định.

Yếu tố quan trọng của quản lý dịch bệnh với mỗi quốc gia là cần có một đội ngũ kỹ trị, có thể sáng tạo ra các giải pháp phù hợp. Dù không có một mô hình cụ thể nào để áp dụng, không thể dùng công thức của nước này áp dụng cho nước khác nhưng với đội ngũ kỹ trị tốt, họ có thể sáng tạo trong việc áp dụng các biện pháp ở từng thời điểm, hoàn cảnh nhất định một cách linh hoạt, hiệu quả.

Tất nhiên, nghệ thuật lãnh đạo phải dựa trên thông tin khoa học, dựa trên những chứng cứ khoa học, làm thế nào để hạn chế được sự lây lan, nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, hài hòa trong các mục tiêu, để đưa đất nước thoát khỏi dịch bệnh cũng như khủng hoảng do COVID-19 gây ra.

 

Tôi nghĩ, không có mô hình chuẩn nào để áp dụng 100% một cách máy móc. Cho nên đừng hy vọng ở đâu đấy sẽ mang đến cho mình một phương thuốc thần kỳ, cũng không nên so sánh cách phòng chống giữa nước này với nước khác, mọi thứ phải linh hoạt, dựa vào tình hình thực tiễn của mỗi quốc gia.

Lê Ngọc Sơn (từ CHLB Đức)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm