Đà Nẵng: Nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản
Quảng bá du lịch Đà Nẵng tại hội chợ lớn nhất Ấn Độ / Doanh nghiệp Nhật chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam
Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, từ ngày 16/2 - 15/3, TP đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 413 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện (gọi chung là DN) với tổng vốn đăng ký gần 1.700 tỷ đồng, giảm gần 10% về số DN và giảm gần 62% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong các tháng đầu năm 2023.
Tính chung quý I/2023 (từ ngày 1/1 đến 15/3), TP Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký cho 812 DN với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt hơn 3.200 tỷ đồng; giảm gần 8% về số DN và giảm gần 52% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó có 168 DN hoàn tất thủ tục giải thể và rút lui khỏi thị trường kinh doanh, tăng gần 8% so với cùng kỳ.Cục Thống kê Đà Nẵng nhận định, sau thời gian dài gồng mình chống dịch, khả năng chống chịu của DN bị bào mòn; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu có xu hướng tăng chậm lại; sức ép lạm phát còn cao; lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...
Trước những diễn biến bất ổn của thị trường, cộng đồng DN đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều DN phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể, khiến số lượng DN trên địa bàn Đà Nẵng rút lui khỏi thị trường có xu hướng gia tăng trong các tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, số DN thành lập mới gia nhập thị trường và số DN tạm ngừng quay trở lại hoạt động đều có chỉ số giảm so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/3, số DN xin tạm ngừng hoạt động không ngừng tăng lên (2.231 DN), vượt xa con số đăng ký mới và quay trở lại hoạt động và tăng 47% so với cùng thời điểm năm 2022. Số lượng DN tạm ngừng quay trở lại hoạt động khá khiêm tốn (673 DN), giảm 42,2% so với cùng kỳ năm 2022.
“Tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu sụt giảm đã đẩy nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là những DN lệ thuộc phần lớn vào nguồn vốn vay”, báo cáo của Cục Thống kê Đà Nẵng nhấn mạnh.
Do vậy, Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị chính quyền TP chủ động nắm bắt, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đã và đang đầu tư trên địa bàn. Tích cực hỗ trợ các dự án đang triển khai, nhất là các dự án quy mô lớn, đi vào hoạt động đúng tiến độ; hỗ trợ các dự án đang hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư, tạo ra các giá trị mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp TP.
Đồng thời tập trung mọi nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đa dạng hóa đối tác và hình thức đầu tư; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh và có giải pháp hỗ trợ DN ổn định sản xuất kinh doanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo