Doanh nghiệp duy trì sản xuất, giữ thị trường xuất khẩu
Phát triển bền vững là cơ hội, không phải gánh nặng cho doanh nghiệp / 5 tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập mới
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5 vừa qua đã tăng hơn 4% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vẫn giảm tới gần 12% so với cùng kỳ.
5 tháng qua, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ… đều gặp khó khăn về thị trường. Vì vậy, các doanh nghiệp đang chủ động triển khai nhiều giải pháp để duy trì sản xuất và giữ được thị trường.
Tấm lam nhôm chống nắng là sản phẩm mới vừa được bổ sung vào sản xuất để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Nếu trước đây doanh nghiệp không nhận làm dòng hàng này vì chi phí sản xuất cao và lợi nhuận thấp, thì nay có đơn hàng, có việc làm còn hơn không.
"Trước đây các sản phẩm của chúng tôi tập trung cho lĩnh vực cơ khí và linh kiện điện tử, nhưng hiện nay, chúng tôi hướng đến sản phẩm phục vụ cho đồ gia dụng hay thiết bị y tế", ông Trần Dũng, Giám đốc Công ty Nhôm Ngọc Diệp, cho biết.
Dệt may nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất cả nước, kim ngạch xuất khẩu trên 40 tỷ USD/năm, tuy nhiên 5 tháng qua, mới chỉ đạt khoảng 14 tỷ USD, giảm trên 21% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua toàn cầu giảm, tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp lo ngại khi chưa ký được đơn hàng nào của tháng 7, tháng 8. Kết nối các thị trường tìm khách hàng mới đang là giải pháp được chú trọng.
5 tháng qua, các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như: dệt may, da giày, đồ gỗ… đều gặp khó khăn về thị trường. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Chúng tôi đang tổ chức hàng loạt hội chợ xúc tiến thương mại ở nước ngoài, mời doanh nghiệp tham gia vào để doanh nghiệp có thông tin, kết nối thị trường, kết nối với các nhãn hàng... để doanh nghiệp hiểu thách thức của mỗi nhãn hàng, họ đòi hỏi là gì để doanh nghiệp tập trung vào việc đầu tư", ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho hay.
"Hiệp hội cùng các doanh nghiệp đã đi tìm kiếm những nhà cung cấp nguyên liệu mới ở giá cả hợp lý vì nguyên liệu, giá hợp lý thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp mới cao được", ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư Ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, thông tin.
Bên cạnh đó, các hội, hiệp hội doanh nghiệp cũng tìm kiếm các nguồn vốn mới, chia sẻ để doanh nghiệp vay lãi suất hợp lý. Cộng đồng doanh nghiệp cũng chia sẻ lẫn nhau về việc cập nhật các chính sách mới để thụ hưởng những lợi ích từ những chính sách điều hành kinh tế.
Giảm thủ tục hành chính để giúp doanh nghiệp
Bên cạnh sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực cắt giảm các quy định thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ... nhằm giảm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp.
Tính đến nay, 376 thủ tục đã được cắt giảm so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, trên một số lĩnh vực, thủ tục hành chính vẫn còn là rào cản đối với sản xuất, kinh doanh.
Đầu tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả.
Trung tâm phục vụ hành chính công, bộ phận 1 cửa của tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là đã thay đổi ấn tượng. Đầu tư hiện đại, cán bộ được lựa chọn kỹ, thời gian giải quyết thủ tục cũng nhanh hơn 30% so với quy định chung của cả nước.
"Chi phí không chính thức trong bộ chỉ số PCI năm 2022 và những năm qua của Bắc Giang đã được cải thiện. Tham nhũng vặt phong bao, phong bì cũng giảm đi", ông Nguyễn Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang, cho biết.
Công nghệ thông tin đang được ứng dụng mạnh mẽ ở những bộ phận 1 cửa. Mọi việc vì thế cũng nhanh hơn và minh bạch hơn. Thái độ phục vụ cũng nhiệt tình hơn. Bên cạnh đó còn đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tức là những thủ tục vốn trước đây là lãnh đạo tỉnh trực tiếp ký phê duyệt, nay có thể được ủy quyền cho cấp sở hoặc thấp hơn, qua đó rút ngắn được nhiều thời gian.
Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp ở Bắc Giang cho biết còn những thủ tục vẫn đang bị kéo dài thời gian giải quyết, điển hình như các thủ tục về chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư. Vướng mắc được cho là nằm ở sự chồng chéo của các quy định và quy hoạch.
"Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, Bắc Giang cũng đang chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép Bắc Giang rà soát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch trong thời gian sớm nhất", ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, cho hay.
Những vướng mắc không chỉ ở Bắc Giang, mà cũng đang là câu chuyện chung ở nhiều địa phương. Vì vậy, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tiếp tục hoàn thiện thể chế vẫn là một trong ưu tiên hàng đầu để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay. Từ những vướng mắc trong quy định pháp luật, cho tới những điều kiện kinh doanh chưa hợp lý, hoặc không cần thiết đều cần phải được xử lý càng sớm càng tốt.
"Các địa phương cũng cần phải vào cuộc một cách quyết liệt hơn. Có địa phương làm rất tốt, có địa phương làm chưa tốt trên cùng một mặt bằng thể chế. Do đó vai trò của người đúng đầu các địa phương và các cấp thực thi phải nhấn mạnh trong thời gian tới", bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định.
Không nên coi doanh nghiệp là đối tượng bị quản lý, mà phải xem đây là đối tác, là xương sống, là động lực phát triển của nền kinh tế. Nếu tư duy này được thấm sâu trong từng cơ quan, từng cán bộ nhà nước, thì chắc chắn sẽ tạo ra nhiều chuyển biến lớn, thúc đẩy nền kinh tế vượt khó, tăng trưởng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo