Doanh nghiệp Việt đứng vững trước sóng gió kinh tế ở Nga
Đại học RMIT tiếp tục thăng hạng trên bảng xếp hạng toàn cầu / Dịch vụ logistics Đà Nẵng: Chậm chân trong cuộc cạnh tranh?
Thăm công ty Ruviteks ở tỉnh Moskva có thể thấy các dây chuyền may của công ty vẫn hoạt động ổn định, người lao động hăng say làm việc. Ông Phan Mạnh Hùng, chủ công ty Ruviteks cho biết trước đại dịch COVID-19 xưởng may của ông có hơn 100 công nhân song nay còn khoảng 40 công nhân. Tuy nhiên hoạt động sản xuất vẫn ổn định, thu nhập của người lao động được đảm bảo.
Điểm đáng lưu ý ở Ruviteks đó là mối quan hệ gắn bó giữa chủ xưởng và người lao động. Doanh nghiệp này liên tục đóng góp từ thiện, từ may khẩu trang cung cấp cho người dân Nga giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, cho tới làm nhà tình nghĩa ở Bến Tre, từ quyên góp ủng hộ các trẻ em mồ côi Nga cho tới ủng hộ người dân vùng Donbass tản cư sang Nga. Điều này có được là nhờ người lao động, như theo ông Hùng, sẵn sàng bỏ ra vài ngày công để may sản phẩm làm từ thiện còn nguyên vật liệu do công ty đóng góp.
Em Nguyễn Mỹ Bình, làm tại Ruviteks từ năm 2017 cho biết: "Hai vợ chồng em cùng làm, có tháng 1 người cũng gửi được về nhà cả ngàn USD, có tháng 700, 800 USD, nếu vào vụ thì tháng cả ngàn USD cũng có. Nói chung ở đây chủ bảo đảm lúc nào cũng có hàng làm không có thiếu. Chỉ không có sức làm thôi chứ hàng hóa thì lúc nào cũng có”.
Anh Nguyễn Văn Thiết, người Bắc Giang, cũng cùng vợ làm việc tại Ruviteks từ năm 2017 chia sẻ: "Khi sang không có tay nghề, tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ của mọi người, học nghề nếu theo qui định của công ty là 3 tháng, nhưng đa số anh em dìu dắt nhau, người biết dạy người không biết nên chỉ học việc trong 1 tháng. Tháng sau là được ăn lương cùng những người có tay nghề rồi”. Anh Thiết khẳng định “trong thời kỳ dịch COVID-19 công việc cũng có khó khăn song được sự quan tâm của ông bà chủ nên đời sống công nhân vẫn ổn định”.
Theo ông Phan Mạnh Hùng, bí quyết để doanh nghiệp vượt qua những khó khăn vừa qua là ổn định sản xuất, gắn chặt lợi ích của người lao động với xí nghiệp, cung cấp hàng hóa ổn định cho thị trường. Do có lượng khách hàng và đầu ra sản phẩm ổn định nên công tyRuviteksluôn chủ động trong khâu mua nguyên phụ liệu. Nguyên phụ liệu ngành may tại Nga đa số phải nhập khẩu vàkhi thị trường biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất. Tuy nhiên do chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất hàng 1 năm hay 18 tháng nên trước khi xung đột nổ ra, xưởng may của ông đã ổn định được nguồn nguyên phụ liệu đầu vào trong thời gian dài để sản xuất cho đến nay.
Vấn đề tiếp theođó là ngành may mặc ở Nga phụ thuộc rất lớn vào người lao động. Để duy trì nguồn lao động luôn ổn định, doanh nghiệp luôn cần đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động. Hiện hàng tháng người lao động ở Ruviteks có thu nhập tối thiểu khoảng 15 triệu VNĐ (đã trừ mọi chi phí) để gửi về nhà. Ông Hùng cho biết xí nghiệp luôn hỗ trợ cho người lao động, đặc biệt từ năm 2014 đến tháng 5/2020, công ty luôn bảo đảm tỷ giá USD cho anh chị em công nhân là 60 rúp/USD bất luận thị trường biến động như thế nào để “anh chị em yên tâm làm việc”. Cũng theo ông Hùng, từ năm 2014, công ty miễn phí hoàn toàn tiền gia hạn hộ khẩu từ năm thứ 2 trở đi cho người lao động.
Chính nhờ mối quan hệ gắn kết, tin tưởng giữa chủ doanh nghiệp và người lao động, theo lời ông Hùng, ngày 24/2/2022, khi xung đột nổ ra, đồng rúpNga mất giá mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động và doanh nghiệp. “USD có những thời điểm nhảy lên 130-135 rúp/USD. Trong giai đoạn đó tôi họp toàn bộ anh chị em công nhân lại và cũng nhờ sự tin tưởng của anh chị em, mọi người đồng lòng là lương tháng 1, 2, 3 không chuyển về (Việt Nam) ngay mà đợi qua cơn khủng hoảng mới chuyển về. Và cũng rất là may là khi USD về mức giá 75 rúp/USD, được sự đồng ý của anh em thì chúng tôi chuyển toàn bộ số lương đó về”, ông Hùng nói.
Tại xưởng may Sarlanter của gia đình ông Đỗ Văn Tiếu, nơi có khoảng 50 công nhân đang làm việc, thì ngoài việc chăm lo thu nhập ổn định cho người lao động, khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất. Tất cả vì khỏe, vui, đoàn kết” được căng chính giữa nhà xưởng đã được công ty quán triệt và đưa vào đời sống thực tế của người công nhân.
Anh Phùng Đức Long cho biết đã làm việc ở Sarlanter 9 năm và cũng có một số người gắn bó lâu dài như mình. Theo anh Long, thu nhập ở đây khá ổn định. "Lương khoảng 1.600 USD hai tháng. Công ty trả lương theo kỳ 2 tháng sẽ gửi về Việt Nam một lần. Mọi người ở đây sống đoàn kết, tình cảm, coi nhau như anh chị em trong nhà”.
Kể về hoạt động của doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Tiếu, chủ công ty may Sarlenter, hé lộ rằng doanh nghiệp của ông đã học tập các nước khác, ví dụ ở Nhật, "người ta đối xử với công nhân làm sao để xí nghiệp được coi nhưnhà của họ, để họ gắn bó với mình”. Chính vì thế theo ông Tiếu, những công nhân làm lâu năm nếu không vi phạm kỷ luật thì hàng tháng được thưởng thêm 30 USD là tiền "thâm niên, gương mẫu”. Ngoài ra xí nghiệp của ông Tiếu cũng thường xuyên tổ chức giao lưuthể thao, văn nghệcho người lao động được hưởng không khí vui vẻ phấn khởi, qua đó nỗ lực hơn trong công việc.
Bất chấp những sóng gió trên thị trường, trong thời gian vừa qua, các xưởng may của người Việt tại Nga có lẽ là những doanh nghiệp hoạt động ổn định nhất trong cộng đồng người Việt, nhờ đó đảm bảo công ăn việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, và phần nào giúp ổn định nền kinh tế Nga.
End of content
Không có tin nào tiếp theo