Khó khăn trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng COVID-19
Làm cách nào để kiểm soát tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng? / Vietnam Airlines đứng trước nguy cơ phá sản, cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết
Ảnh minh họa.
Vaccine phòng COVID-19 không chỉ là lá chắn thép về sức khỏe mà còn là lá chắn thép về tinh thần cho mỗi người dân Việt Nam được tiêm vaccine để đối phó với COVID-19 đang là biện pháp hiệu quả được hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, việc tiếp cận và nhập khẩu vaccine phòng, chống virus COVID-19 của các doanh nghiệp tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn.
Ngày 31/5/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã ký ban hành văn bản số 4433/BYT-QLD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu thuốc; các doanh nghiệp, tổ chức có nguồn cung vaccine phòng COVID-19, trong đó có nội dung:‘Thực hiện chủ trương của Bộ chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã có các công văn 406/QLD-KD ngày 27/01/2021- Văn bản số 1438/QLD-KD ngày 23/02/2021- Văn bản số 2511/QLD-KD ngày 22/03/2021 khuyến khích các Tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng COVID-19’.
Để tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc nhập khẩu vaccine phòng COVID-19 cho nhu cầu cấp bách, Bộ Y tế đề nghị: trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất hoặc cung ứng vaccine "với các vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, Bộ Y tế sẽ xem xét phê duyệt trong thời gian 5 ngày làm việc khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ và kèm theo uỷ quyền chính thức của cơ sở sản xuất vaccine phòng COVID-19", thời gian này là 10 ngày làm việc "với các vaccine đã được các quốc gia khác phê duyệt nhưng chưa được WHO phê duyệt sử dụng trong tình trạng khẩn cấp".
Nội dung văn bản số 4433/BYT-QLD về tăng cường tiếp cận vaccine phòng COVID-19 được đăng tải trên trang web Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế ngày 2/6
Ngày 18/6/2021, Báo Lao động online đã đăng tải bài viết "Báo Lao động đã phản ánh rất đúng, kịp thời vấn đề lừa đảo khi nhập khẩu vaccine COVID-19", trong đó, thể hiện ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: "Ngày 17/6, trao đổi với phóng viên Lao Động, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Chúng tôi rất cảm ơn Báo Lao Động đã vào cuộc kịp thời, đăng tải các bài viết cảnh báo về tình trạng nhập khẩu vaccine COVID-19. Từ việc phản ánh tình trạng mập mờ, bất thường qua các văn bản xin cấp phép nhập khẩu vaccine của doanh nghiệp, Bộ Y tế đã cảnh giác cao độ hơn nữa và liên tục đưa ra các cảnh báo nguy cơ lừa đảo khi trong vấn đề nhập khẩu vaccine". Theo ông, không chỉ các thông tin mà Báo Lao Động phản ánh, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã ghi nhận hàng chục đơn vị xin nhập khẩu các loại vaccine như Moderna, Pfizer... cung cấp giấy tờ khẳng định đã tiếp cận được vaccine, nêu cụ thể số lượng có thể nhập khẩu...Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế kiểm tra đối chiếu, xác minh thông tin từ các hãng vaccine thì tất cả đều là giấy tờ "rởm". Có hãng vaccine nói chúng tôi không đủ vaccine để cung cấp cho Chính phủ, làm sao có vaccine để bán cho nhiều đơn vị như vậy".
Riêng về vaccine Moderna, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, sau khi xác minh từ phía Moderna được biết tháng 05/2021, hãng Moderna chỉ duy nhất cho phép Juellig Pharma (TPHCM) phân phối 5 triệu liều.
"Tôi xin nhấn mạnh là chỉ là phân phối, không phải là bán - nghĩa là họ có thể bán cho một đơn vị nào đó rồi Juellig Pharma sẽ bảo quản và phân phối. Vậy mà các giấy tờ đề nghị cấp phép nhập khẩu vaccine của một số đơn vị còn khẳng định nhập khẩu được 20 triệu liều, 40 triệu liều... Vậy, họ lấy đâu ra vaccine để nhập khẩu vào Việt Nam?".
Theo quy định tại Khoản 10, Điều 91, Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược: "10. Các cơ sở có quyền nhập khẩu nhưng không được thực hiện quyền phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động liên quan trực tiếp đến phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam, trừ thuốc và nguyên liệu làm thuốc do chính cơ sở sản xuất tại Việt Nam".
Theo nội dung quy định này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ có quyền nhập khẩu nhưng không thực hiện quyền phân phối thuốc nguyen liệu làm thuốc tại Việt Nam, vậy, Juellig Pharma đang căn cứ vào văn bản quy định của pháp luật nào để phân phối 5 triệu liều vaccine Moderna tại Việt Nam.
Cần phải nhìn nhận thẳng thắn vào thực tế là việc các doanh nghiệp khẩn trương tìm kiếm, tiếp cận và xin phép nhập khẩu vaccine, bên cạnh nỗ lực của từng đơn vị, thì xuất phát điểm, chính là từ chủ trương của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ khuyến khích các tập đoàn, doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận vaccine phòng COVID-19.
Việc thẩm định, xem xét, hướng dẫn các đơn vị trong hoạt động này thuộc về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Y tế. Trường hợp giấy tờ, quy trình của các đơn vị có bất cập hoặc gặp khó khăn, Bộ Y tế phải là cơ quan quản lí nhà nước đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, thậm chí là giữ vai trò đầu mối, hỗ trợ với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, tạo điều kiện cho các giao dịch với các quốc gia trên thế giới được hợp pháp, nhanh chóng thúc đẩy, hoàn thiện các thủ tục để đưa vaccine phòng chống COVID-19 về phục vụ nhân dân trong thời gian sớm nhất có thể.
Thiết nghĩ, để đối phó và giải quyết tình hình dịch bệnh hiện tại, những nỗ lực đóng góp công sức của các tầng lớp nhân dân, của sức mạnh xã hội như hiện tại là rất đáng trân trọng, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, vốn là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam.
Tuy nhiên, điều quan trọng và cần thiết hơn cả là, cần có sự nhất quán trong định hướng lãnh đạo của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương được pháp luật giao những quyền hạn nhất định để thực hiện chức năng thay mặt nhà nước điều hành xã hội trên phạm vi ngành, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi thẩm quyền do luật định; hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lí và hơn hết thực hiện các hoạt động thiết thực, cụ thể, trong việc động viên tinh thần, phối hợp và chịu trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức trong xã hội, đặc biệt đối với hoạt động tìm kiếm, nhập khẩu vaccine phòng chống COVID-19 về Việt Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo