Thế khó của các doanh nghiệp trong ‘vùng dịch’
Bộ LĐ-TB-XH yêu cầu khẩn trương thực hiện gói hỗ trợ lao động, doanh nghiệp mùa dịch / Apple lại bị tố bóp hiệu suất iPhone để lôi kéo người dùng nâng cấp
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp (DN) trong “tâm dịch” TP Hồ Chí Minhđang dốc hết sức mình cho việc áp dụng “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ để phòng, chống COVID-19) nhằm đảm bảo sản xuất.
Áp lực tăng lên với “3 tại chỗ”
Tuy nhiên, theo ông Dũng, việc DN áp dụng “3 tại chỗ” được bao lâu là cả vấn đề không hề đơn giản. Đó không chỉ là nguồn lực tài chính, đứt gãy các chuỗi cung ứng, cũng như việc đảm bảo duy trì hệ sinh thái đồng bộ. Bởi lẽ, không có DN nào có thể sản xuất từ A đến Z, cho nên nếu có DN nào đó trong chuỗi bị đứt gãy thì phía DN cũng bị ảnh hưởng theo.
Để duy trì sản xuất giữa thế khó trong “vùng dịch”, nhiều DN đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ”. |
Vì vậy, ông Dũng cho rằng, tình hình duy trì sản xuất của các DN là rất vất vả. Không những vậy, với việc thực hiện “3 tại chỗ”, các DNsắp tới sẽ có thể còn đối mặt khó khăn cực lớn là tình trạng “xã hội trong DN” khi cộng đồng người lao động vừa sản xuất vừa ăn ở, sinh hoạt trong các nhà máy sau giờ làm rất bất cập.
Được biết, từ ngày 13/7, TP Hồ Chí Minh đã cho phép các DN tiếp tục hoạt động sản xuất khi thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ”.
Tính đến ngày 22/7, tổng số DN đăng ký thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ là 618/1.412 DN đang hoạt động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, với tổng số lao động áp dụng “3 tại chỗ” là 57.507 người.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Bidrico cho biết, dù công ty có đủ cơ sở để đảm bảo thực hiện “3 tại chỗ” cho 300 lao động, thế nhưng vẫn có khó khăn, chẳng hạn như thói quen ăn uống của từng người lao động.
“Đến nay, công ty đã trải qua 7 ngày thực hiện “3 tại chỗ”, chúng tôi thấy được áp lực, căng thẳng của những người đang làm việc tại nhà máy bắt đầu có chiều hướng gia tăng vì họ phải xa nhà, xa gia đình, không thoải mái về mặt tâm lý”, ông Hiến chia sẻ.
Còn theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA), nhiều DN thực phẩm đã từng áp dụng phương thức “3 tại chỗ” trước cả khi có chỉ đạo của chính quyền TP Hồ Chí Minh nhằm đạt yêu cầu về duy trì sản xuất, đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu.
“Khó khăn là không biết khả năng chịu đựng của các công nhân khi áp dụng phương thức này sẽ được bao nhiêu ngày, liệu họ có ở lại nhà máy trong 30, 40 ngày? Đó là yếu tố tâm lý mà tất cả DN đang thấy khó”, bà Chi bày tỏ băn khoăn.
Và nỗi lo hàng hóa... “nằm tại chỗ”
Ngoài TP Hồ Chí Minh, DN ở các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai cũng đang đẩy mạnh việc áp dụng “3 tại chỗ” để ngăn chặn dịch, đảm bảo sản xuất trong các nhà máy.
Ghi nhận từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho thấy, tính đến ngày 21/7 đã có 1.732 DN đăng ký theo 2 phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”, đáp ứng chỗ ăn ở và làm việc cho 256.365 lao động để phòng chống dịch COVID-19.
Còn ở Đồng Nai, hiện nay, DN trong các khu công nghiệp vẫn đang tiếp tục chuyển hồ sơ về Ban Quản lý các khu công nghiệp yêu cầu hỗ trợ thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Tính đến ngày 19/7 có hơn 310 DN trong các khu công nghiệp trên địa bàn đã tỉnh đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Tại Đồng Nai, do không lường trường những diễn biến phức tạp của đại dịch và không chuẩn bị sẵn nên nhiều DN đã lúng túng trong việc bố trí cho công nhân ở lại nhà máy.Nhất là khi muốn để người lao động ăn ở, sinh hoạt ngay tại công ty để phòng chống dịch đòi hỏi DN đủ mặt bằng, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn cho công nhân. Thế nhưng, trong khoảng thời gian ngắn không phải DN nào cũng có thể đáp ứng.
Bên cạnh các vấn đề thuận lợi và khó khăn khi áp dụng “3 tại chỗ” cho các DN ở vùng “tâm dịch”, bà Lý Kim Chi cho biết, hiện nay, một số hợp tác xã (HTX) trong lĩnh vực thuỷ sản có phản ánh hàng hoá của họ phải “nằm tại chỗ” vì thiếu thương lái, hệ thống thu mua và hệ thống đưa về nơi tiêu thụ là TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ các HTX trong mảng thuỷ sản gặp khó, theo phản ánh thì nhiều HTX trong mảng rau củ quả, chăn nuôi trong thời gian qua cũng ở thế kẹt vì tác động của dịch COVID-19 đợt 4 khi các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh tạm ngừng hoạt động.
Như chia sẻ của ông Nguyễn Đức Huy, Giám đốc HTX rau thủy canh Việt, việc các chợ đầu mối nông sản tại TP Hồ Chí Minh đóng cửa chưa rõ ngày mở lại, tình cảnh của người trồng rau ngày càng bi đát. Diện tích canh tác của HTX hiện là 3ha, nhưng trước tình hình này thì phải thu hẹp sản xuất.
Bà Lý Kim Chi nêu ra trường hợp mặt hàng trứng gà của Công ty Ba Huân tại sao hiện nay lại thiếu hụt trong khi nguồn chăn nuôi riêng của nhà máy vẫn đang hoạt động ổn định, sản lượng mỗi ngày khoảng 1 triệu quả trứng? Đó là vì hệ thống tư thương gom mua trứng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để đưa về nhà máy này xử lý thì lại ách tắc.
“Thành ra, với trứng gà thì lượng tiêu thụ tăng lên, trong khi lượng nhập về để xử lý thêm ngoài nguồn tại chỗ thì không có. Từ đó để thấy tất cả những mặt thiếu hụt hiện giờ của DN là do ách tắc ở khâu vận chuyển, ở người thu mua”, bà Chi phân tích.
End of content
Không có tin nào tiếp theo