Đời sống

Chọn món ăn ngày Tết cho người cao huyết áp

Ngày tết nhà nào cũng đều chuẩn bị vài món để cúng ông bà và thông thường các món ăn này cũng được chế biến thích hợp để có thể ăn được vài ngày.

Ăn kiêng đúng cách sẽ giảm nguy cơ chết vì ung thư vú / Lẩu gà ớt hiểm cay tê, hấp dẫn

Tùy theo mỗi vùng miền khác nhau mà những món ăn ngày Tết cũng khác nhau, như ở miền nam thì có món thịt kho nước dừa ăn với dưa cải muối chua, khổ qua nhồi thịt, bánh tét ăn với dưa món làm bằng củ cải trắng ngâm nước mắm rất ngon… Còn miền bắc thì có món thịt nấu đông, giò lụa, bánh chưng, dưa hành… Các món để nhâm nhi như tôm khô, lạp xưởng, khô bò, khô mực, giò lụa, giò thủ ăn với dưa kiệu, dưa hành, kim chi…thì hầu như các nhà ở thành thị đều có.
Các loại thực phẩm nguội như chân giò hun khói, giò, chả, lạp xưởng, bò khô, tôm khô, xúc xích, dăm bông… thì thường là có nhiều muối không tốt cho tim, thận, làm tăng huyết áp. Hơn nữa, trong các sản phẩm này luôn chứa chất béo bão hòa triglycerid (loại chất béo xấu), làm gia tăng cholesterol trong máu gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và các bệnh về tim mạch.
Ngoài những món mặn thì những món ngọt cũng rất đa dạng với các loại bánh kẹo, mứt đủ loại cũng góp phần tạo thêm năng lượng dư thừa.
Bên cạnh đó rượu bia, nước ngọt có gas thường không thể thiếu trong những ngày Tết. Rượu, bia là những thực phẩm có độ cồn cao. Uống rượu thường xuyên có hại cho thận, gan, dạ dày và nhiều cơ quan khác. Thức uống có gas và cồn là những chất dễ hòa tan nên khi hấp thụ vào cơ thể chúng tập trung chủ yếu ở tổ chức não, gây ra sự kích thích, nên thường để lại những hậu quả đáng tiếc.
Ngược lại với những thực phẩm nói trên có vẻ như không tốt cho sức khỏe thì rau củ và trái cây tươi lại là món ngon, bổ, khỏe làm cho bữa ăn ngày Tết thêm ngon miệng và dễ tiêu hóa, đặc biệt dưa hấu là món giải khát, hạ nhiệt, thanh lọc và còn là thực phẩm giảm cân lý tưởng cho những ai thừa cân. Nhà nào cũng có đủ loại trái cây tươi để trưng bàn thờ vào ngày Tết nhưng lại rất thiếu vắng trong các bữa ăn.
Theo chia sẻ của ThS.BS Lê Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), ngày Tết với nhiều món ngon hấp dẫn và hầu như các món ăn cũng đều có vị mặn và ngọt hơn để giữ thức ăn được lâu. Cho nên người bị huyết áp cao sẽ phải chọn ăn món nào và ăn bao nhiêu để vẫn hưởng được cái Tết vui tươi và khỏe mạnh, không phải vào bệnh viện cấp cứu vì huyết áp tăng cao gây tai biến nghiêm trọng.
1

Muốn được như vậy, người cao huyết áp cần phải giữ một số nguyên tắc sau đây:
1. Hạn chế tăng cân trong những ngày Tết đối với người thừa cân, béo phì bằng cách giảm các thực phẩm giàu năng lượng:
Bánh chưng, bánh tét nên chọn ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa (khoảng 100g bánh, tức 1/10 cái bánh chưng có trọng lượng 1kg, bỏ bớt phần nhân bánh nhiều thịt mỡ), nên tránh các loại thực phẩm giàu năng lượng như các món ăn chiên, quay, thịt đông, măng hầm chân giò, giò xào…
2. Hạn chế tối đa các món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như: giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, khô bò, khô mực, tôm khô, dưa muối, dưa món, củ cải ngâm nước mắm, kim chi…
3. Thức ăn thừa phải giữ trong tủ lạnh, thịt cá tươi phải giữ đông.
4. Hạn chế thức uống có cồn: rượu, bia. Có thể uống ít rượu vang đỏ vào bữa ăn, dưới 60ml/ngày.
5. Uống hạn chế các thức uống có gas, thay bằng các nước ép trái cây.
6. Bữa ăn luôn có rau tươi: súp lơ, bắp cải, su hào, su su, củ cải đỏ, cà chua, rau cần, khổ qua… những loại rau củ này dễ bảo quản hơn các loại rau lá trong những ngày Tết.
7. Ăn nhiều trái cây tươi: chuối, đu đủ, dưa hấu, cam, quít, nho, táo, lê, bưởi, thanh long…
8. Uống thêm 1 - 2 ly sữa tươi, sữa đậu nành hoặc sữa chua mỗi ngày.
9. Ăn ngủ, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya.
10. Nhớ uống thuốc huyết áp đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Theo VTV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm