Hỗ trợ doanh nghiệp

'3 không' trong ứng phó thuế đối ứng của Mỹ

DNVN - Dù nguy cơ về thuế đối ứng của Mỹ vẫn đang hiện hữu, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam nhưng trong nguy có cơ...

Bình Định: 'Xanh hoá' các khu, cụm công nghiệp để phát triển bền vững / Cất nóc Trường Phổ thông liên cấp FPT Quy Nhơn sau gần 60 ngày khởi công

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thông tin được các đại biểu nhấn mạnh tại hội thảo "Thuế đối ứng của Hoa Kỳ và ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 18/4 tại Hà Nội.

Tại đây, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI đánh giá, mặc dù phía Mỹ đã tuyên bố tạm hoãn áp dụng thuế riêng trong vòng 90 ngày để mở đường cho đàm phán nhưng nguy cơ về thuế đối ứng vẫn đang hiện hữu và rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức lớn đối với doanh nghiệp (DN) Việt Nam – đặc biệt là các DN xuất khẩu vào thị trường Mỹ – thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Theo rà soát của VCCI, hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 là sang thị trường Mỹ, với các mặt hàng chủ lực như: điện tử, dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, máy móc, thiết bị… Trong đó, nhiều ngành có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lên tới trên 40%, thậm chí vượt 50%, như ngành gỗ, dệt may, thiết bị điện tử...

"Điều này cho thấy, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, các DN Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề, mất thị phần, giảm sức cạnh tranh, gián đoạn sản xuất, mất việc làm, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP và ổn định kinh tế vĩ mô", ông Công nhìn nhận.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam còn đối diện với các tác động dây chuyền và chuyển hướng thương mại. Theo đó, hàng hóa từ các nước bị áp thuế sẽ tìm cách chuyển sang các thị trường khác, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng cạnh tranh, nguy cơ gian lận thương mại, “trung chuyển” hàng hóa và bị điều tra chống lẩn tránh thuế.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, nếu mức thuế đối ứng bị áp dụng, DN Việt Nam sẽ bị tổn thương nặng nề.

Phân tích sâu về tác động của thuế đối ứng Mỹ đối với DN Việt Nam, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký VCCI dẫn thông tin từ Bình Dương cho biết, từ ngày 5-8/42025 sau khi ông Trump công bố sắc lệnh áp thuế với các đối tác thương mại, Bình Dương đã ghi nhận 44 tờ khai xuất khẩu trị giá hơn 708 triệu USD bị hủy, 273 đơn hàng bị khách hàng Mỹ thông báo hủy hoặc tạm dừng, và ít nhất 175 đơn hàng có nguy cơ bị hủy trong thời gian tới.

Theo ông Tuấn, chính sách thuế của Mỹ tác động trực tiếp đến các DN sản xuất, xuất khẩu đi Mỹ cũng như các DN tham gia chuỗi sản xuất xuất khẩu. Trong đó, các DN sản xuất, xuất khẩu đi Mỹ tác động đặc biệt lớn về cạnh tranh, thị phần, chuỗi cung ứng do thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng lớn ở hầu hết các ngành xuất khẩu trọng điểm hoặc tỷ trọng áp đảo ở một số ngành xuất khẩu dù kim ngạch xuất khẩu không quá lớn. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam không được miễn trừ thuế đối ứng. Đa phần các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong khu vực có mức thuế đối ứng tháp hơn Việt Nam (theo sắc lệnh ngày 2/4/2025 của ông Trump).

Cũng theo ông Tuấn, các tác động chuyển hướng thương mại cũng là điều đáng lưu tâm. Nguy cơ cạnh tranh ở các thị trường xuất khẩu khác có thể phức tạp hơn. Hàng hoá xuất khẩu của các nước lẽ ra vào Mỹ lại chuyển sang các thị trường khác. Hàng hóa các nước lẽ ra xuất khẩu đi Mỹ được giữ lại tiêu thụ nội địa. Thêm vào đó, nguy cơ cạnh tranh ở thị trường nội địa bởi hàng hoá các nước lẽ ra xuất khẩu đi Mỹ lại chuyển hướng xuất khẩu vào Việt Nam.

Trong nguy có cơ

Dù nhấn mạnh DN chịu những tác động không nhỏ từ thay đổi chính sách thuế nhưng theo Chủ tịch VCCI, trong nguy luôn có cơ. Đây cũng là thời điểm để Chính phủ, DN nhìn lại chiến lược phát triển, nâng cao năng lực nội tại, chủ động thích ứng và định vị lại vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.


Đông đảo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tham gia sự kiện.

Với góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực cho rằng, trong giai đoạn khoảng trống 90 ngày, cần thực hiện '3 không": không bàn lùi, không chủ quan nhưng cũng không bi quan vì còn nhiều dư địa, cơ hội trước mắt.

Với Chính phủ, ông Lực kiến nghị chú trọng hơn nữa các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi với Mỹ; tăng cường đàm phán, đối thoại qua các kênh. Sớm triển khai các giải pháp cụ thể nhằm cân bằng thương mại hơn với Mỹ. Chủ động sớm giải quyết kịp thời, hợp lý các quan ngại, vướng mắc phía Mỹ quan tâm.

"Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN, ngành hàng bị tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, kích cầu đầu tư - tiêu dùng trong nước cũng như giữ mặt trận xuất khẩu...", chuyên gia nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh đến giải pháp tự nhân của DN. Đối với đơn hàng tự có, DN cần theo dõi sát động thái, phối hợp, đàm phán với nhà nhập khẩu; tranh thủ xuất hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế. Từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu. Đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tận dụng các thị trường có FTA và đặc biệt cần dụng, khai thác thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Cùng đó, DN cần từng bước cải cách, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh bằng việc định hướng kinh doanh bền vững, cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm