Hỗ trợ doanh nghiệp

'Chăm' sao để 'con cưng' ngành công nghiệp lớn lên?

Ngành chế biến, chế tạo được xem là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp, song hơn 90% doanh nghiệp Việt chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa. Phải chăng chính sách hỗ trợ ngành này chưa đủ "liều lượng" để giúp doanh nghiệp phát triển.

Thanh Hóa: Xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm OCOP / ĐHĐCĐ thường niên HDBank 2020: Tăng trưởng bền vững, chuyển đổi số, chất lượng tài sản, an toàn hoạt động

Chia sẻ về phát triển chuỗi sản xuất tại Việt Nam, đại diện Samsung cho biết, năm 2014 chỉ có 4 doanh nghiệp (DN) Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1, nhưng đã có sự gia tăng mạnh mẽ trong thời gian qua. Tính đến hết năm 2019 là 42 DN, dự kiến tăng lên 50 DN vào năm 2020.

Năng lực doanh nghiệp Việt vẫn "yếu"

Theo đại diện Samsung, đây là kết quả của quá trình nhiều năm tìm kiếm, kết nối và tư vấn hỗ trợ các DN tiềm năng của Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất.

Hơn 90% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô nhỏ và vừa (Ảnh: TL)

Hơn 90% doanh nghiệp chế biến, chế tạo có quy mô nhỏ và vừa (Ảnh: TL)

"Samsung không chỉ nâng cao năng lực cho các DN nằm trong chuỗi cung ứng của mình, mà còn hỗ trợ sự phát triển chung cho ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tại Việt Nam", đại diện Samsung cho biết.

Tuy nhiên có thể thấy, chỉ 50 DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng cấp 1 của Samsung nếu so với hơn 110.000 DN đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo rõ ràng là một con số rất khiêm tốn.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Thị Tuệ Anhdẫn ví dụ từ thành công của Hàn Quốc, sau gần 3 thập kỷ, vào năm 1996 đã đạt mức thu nhập cao. Chính sách công nghiệp có vai trò quan trọng giúp Hàn Quốc vượt bẫy thu nhập trung bình và duy trì tăng trưởng bền vững trong hơn 4 thập kỷ vừa qua.

Theo đó, Hàn Quốc đã tạo ra nhiều tập đoàn tư nhân quy mô lớn và có năng lực công nghiệp mạnh trong các ngành thép, đóng tàu, sản xuất ô tô, điện tử, hóa chất. Cả DN và ngành đều có khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo nền tảng vững chắc, đảm bảo cho ngành phát triển bền vững, không phụ thuộc vào bên ngoài.

 

Nhìn vào Việt Nam, bà Tuệ Anh cho biết, đến năm 2019, cả nước có 115.548 DN đang hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, 90,5% là DN tư nhân trong nước có quy mô vừa và nhỏ.

Khu vực DN tư nhân chiếm trên 90% số DN, nhưng đóng góp thấp vào giá trị ngành chế biến chế tạo. Năng suất lao động thấp nhất ở nhiều phân ngành Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn ngành. Đặc biệt, 89% DN tư nhân trong nước ở Việt Nam chưa chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phó Viện trưởng CIEM đánh giá, DN tư nhân ngành chế biến, chế tạo đã phát triển nhanh về số lượng, nhưng quy mô chỉ nhỏ đến vừa, tập trung ở những ngành có trình độ công nghệ thấp. Năng lực công nghiệp còn khá thấp, vị thế yếu trong ngành chế biến chế tạo xét về giá trị, năng suất lao động, xuất khẩu, năng lực công nghệ, năng lực quản lý, kỹ năng, năng lực xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển.

Có thể nói, không ai hiểu được khó khăn của ngành đang gặp phải bằng chính DN. Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam, cho biết hiện số lượng DN CNHT đạt yêu cầu về chất lượng rất ít (chỉ khoảng 1.000 DN, so với Trung Quốc là hàng trăm nghìn). Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là ngay cả khi đã đạt về chất lượng và chủng loại sản phẩm, DN Việt Nam cũng rất khó cạnh tranh về giá so với Trung Quốc.

Hỗ trợ chưa đủ 'liều lượng'

 

Bà Bình cho rằng, một phần nguyên nhân là do các hỗ trợ về đất đai, công nghệ, vốn, nhân lực chỉ tồn tại trên... chính sách. Hầu như CNHT không tiếp cận được, không hiệu quả hoặc rất ít.

"Nếu so với các hỗ trợ mà CNHT ngành chế tạo được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ cũng như các quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Indonesia, DN Việt Nam quá thiệt thòi", bà Bình nói.

Trong khi đó, đánh giá về chính sách hỗ trợ, bà Tuệ Anh cho biết, ưu đãi về thuế và tín dụng, mặt bằng... đã có, nhưng không có nhiều DN được tiếp cận các chính sách ưu đãi về vốn, tín dụng cho đầu tư công nghệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D)...

Theo Phó Viện trưởng CIEM, chính sách công nghiệp còn bất cập. Công cụ của chính sách công nghiệp vừa dàn trải; thiếu phối hợp; thiếu trọng tâm hỗ trợ; liều lượng chưa đủ.

Vì vậy, bà Tuệ Anh cho rằng, cần điều chỉnh chính sách công nghiệp đóng góp vào việc hiện thực hóa chủ trương phát triển khu vực tư nhân lớn mạnh, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.

 

"Cần xác định các ngành công nghiệp chủ lực được ưu tiên vừa là những ngành có tính dẫn dắt tăng trưởng, tạo giá trị gia tăng cao của ngành chế biến chế tạo, nhưng vừa thu hút sự tham gia mạnh mẽ của khu vực DN tư nhân trong nước", bà Tuệ Anh nói.

Thời gian tới, theo Phó Viện trưởng CIEM, cần điều chỉnh tương ứng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ để đạt được mục tiêu bổ sung về tăng năng lực công nghiệp của khu vực DN tư nhân trong nước.

Nhà nước cần có cơ chế ưu đãi đầu tư hình thành các trung tâm hỗ trợ công nghệ cho DN các ngành ưu tiên, khuyến khích các DN tham gia kế hoạch, sử dụng cơ sở hạ tầng nghiên cứu đổi mới, sản xuất thử với chi phí thấp.

"Khu vực tư nhân có nội lực mạnh sẽ quyết định sự phát triển bền vững của ngành chế biến chế tạo, là điều kiện cần giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình", bà Tuệ Anh nhấn mạnh.

Trong khi đó, về phía DN, bà Bình kiến nghị cần có chính sách tạo dung lượng thị trường đủ cho CNHT phát triển. Ví dụ như chính sách cho ngành ô tô, cần cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước, tuy đã được Bộ Công Thương đề xuất nhưng cần triển khai nhanh hơn nữa...

 

Đồng thời, theo bà Bình, cần phát triển các tập đoàn nội địa sản xuất sản phẩm cuối cùng, các tổ hợp DN, các cụm liên kết công nghiệp để làm chủ “cuộc chơi” công nghiệp chế tạo và có thể ưu tiên cho DN Việt Nam khi cung ứng.

Tổ chức lại chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp

Sáng 15/6, tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình về các giải pháp để phục hồi và phát triển sản xuất công nghiệp trong bối cảnh mới.

Theo Bộ trưởng Công Thương, đến tháng 5, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại ở mức 11,2% so với tháng trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,8%.

 

Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tăng 10 điểm so với tháng 4, đạt 42,7 điểm (là mức cao nhất trong các nước ASEAN và nhiều nước trong khu vực).

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất công nghiệp, tạo sự bền vững nhưng linh hoạt hơn, tránh phụ thuộc vào một số ít chuỗi cung ứng.

Xác định trọng tâm là khu vực CNHT và tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn của Việt Namnhư dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ... theo hướng bền vững hơn với một số đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ... tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác hoặc thị trường.

Bộ Công Thương cho biết đã trình Chính phủ Nghị quyết về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ xem xét, thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng các chuỗi cung ứng mới.

 


 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm