Hỗ trợ doanh nghiệp

'Sức đề kháng' của doanh nghiệp thực phẩm

Từ mối nguy do dịch Covid-19, với ngành công nghiệp thực phẩm, nếu các doanh nghiệp nội biết đầu tư, kiên trì, sáng tạo sẽ tìm ra cho mình những cơ hội để vừa đủ “sức đề kháng” vừa phát triển đột phá mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh.

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp / Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp

Sau khi tung ra sản phẩm mới khá thành công là bánh mì thanh long để “giải cứu” quả thanh long ở Đồng bằng sông Cửu Long do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông Kao Siêu Lực (chủ một hãng bánh nổi tiếng ở quận Bình Tân, Tp.HCM) cho biết đang hướng tới việc chế biến nhiều loại bánh từ những sản vật địa phương như khoai môn, sầu riêng, dưa hấu, bơ... để nâng giá trị trái cây Việt.

Đủ sức thích ứng

Hoặc như cách làm trong thời điểm đầy thách thức này của Công ty Xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh Foods ở huyện Củ Chi (Tp.HCM) khi đưa ra thị trường các sản phẩm mới như bún dưa hấu, bánh tráng thanh long và đang được người tiêu dùng đón nhận khá tốt.

Bằng sự sáng tạo, DN thực phẩm đã “giải cứu” trái thanh long

Bằng sự sáng tạo, DN thực phẩm đã “giải cứu” trái thanh long

Như chia sẻ của anh Lê Duy Toàn, vị giám đốc trẻ của công ty này: "Thấy dưa hấu nhiều nơi ế ẩm không xuất khẩu (XK) được trong bối cảnh dịch Covid-19 nên quyết tâm làm điều gì đó giúp người nông dân và tiến đến kết hợp dưa hấu với các loại bún, miến, mì, phở, bánh tráng".

Theo anh Toàn, việc này không chỉ giúp giải phóng trái cây bị ứ đầu ra mà còn giúp công ty đa dạng hoá sản phẩm trước nhu cầu đòi hỏi sản phẩm mới của người tiêu dùng quốc tế. Nhiều sản phẩm bánh của công ty đã có mặt ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, riêng với “bún dưa hấu” mới đây đã đặt chân đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và sắp tới có thể là Australia.

Khi mà diễn biến thị trường tiêu thụ ngày càng khó lường vì tác động của dịch bệnh, giới chuyên gia nhận định cách làm ở công ty chế biến thực phẩm của ông Lực hay anh Toàn trong thời gian qua có đủ “sức đề kháng” để đối phó hoặc “đủ sức thích ứng” với thay đổi của thị trường.

Đặc biệt là khi những doanh nghiệp (DN) này được đánh giá là coi trọng vấn đề “chuẩn - chất” với tiếp cận thị trường quốc tế, không những phải cạnh tranh mà phải đổi mới, làm mới mình liên tục để nâng cao chất lượng các sản phẩm thực phẩm khi đưa vào chuỗi siêu thị ngoại có thể giữ được lâu hơn, từ vài tháng cho đến cả năm.

 

Về kinh nghiệm xử lý tình huống trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm thời dịch bệnh Covid-19, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc CTCP Vinamit, cho rằng các DN ngành thực phẩm cần sản xuất sản phẩm chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng vì họ đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm tăng sức đề kháng tự nhiên nhằm chống lại dịch bệnh.

Dẫn chứng cụ thể như trường hợp DN của mình, ông Viên cho biết trong giai đoạn dịch bệnh này, doanh số của công ty đã tăng lên 30% do người tiêu dùng có nhu cầu cao.

“Đến lúc DN phải tìm cách riêng để phục vụ, nâng cao được giá trị thông qua cảm xúc của khách hàng. Khi khách hàng nhận biết được việc nâng cao sức khỏe, hệ miễn dịch thì chứng tỏ được rằng DN cũng nâng cao "hệ miễn dịch" để tồn tại và phát triển. Không còn cách nào khác là DN phải biết cách để bảo vệ mình và có khả năng chịu đựng”, ông Viên đưa ra lời khuyên.

Thấy “cơ” trong “nguy”

Vị tổng giám đốc Vinamit cũng lưu ý khi gặp khủng hoảng trong giai đoạn này, DN cần bình tĩnh để xử lý tốt hơn thay vì hoảng loạn. Liên kết ngành cũng là giải pháp, DN tham gia liên kết sẽ thống nhất vai trò của từng đối tượng ở từng khâu, tránh cạnh tranh không lành mạnh.

 

Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, Ts. Lê Đăng Doanh cho rằng các DN phải thay đổi, tái cơ cấu sản xuất, tìm thêm thị trường, tìm nguồn nguyên liệu mới, đối tác mới, tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”. Bên cạnh đó, cũng cần chuyển sang số hóa, thương mại điện tử…

“Như ông Kao Siêu Lực với bánh mì thanh long, bánh mì thanh long nhân sầu riêng không chỉ là chia sẻ, giải cứu nông sản mà có thể tạo ra sản phẩm đạt chuẩn để XK”, Ts. Lê Đăng Doanhnói.

Hoặc như DN của anh Lê Duy Toàn, theo ông Doanh, từ cuộc “giải cứu” thanh long, dưa hấu mà DN này đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm, bún, bánh tráng, phở… từ thanh long, dưa hấu rồi xuất sang nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản. Có thể thấy DN đã biết đầu tư, kiên trì, sáng tạo sẽ tìm ra cho mình những “cơ hội” để phát triển đột phá một cách mạnh mẽ từ những mối nguy trong mùa dịch bệnh.

Theo giới chuyên gia, hoạt động sản xuất và XK của ngành hàng thực phẩm hiện là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, trước tác động của dịch Covid-19 đến nhiều ngành hàng trong nước thì việc ngành hàng thực phẩm có “sức đề kháng” tốt để chống đỡ là cực kỳ quan trọng.

Và việc chế biến thực phẩm, cũng như tăng thêm giá trị sản phẩm bằng cách chế biến ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng vốn ngày càng đòi hỏi cao, là một xu hướng quan trọng mà ngành công nghiệp thực phẩm Việt phải đối mặt trong lúc này.

 

Bên cạnh đó, khi đã có đủ sức đề kháng trong mùa dịch bệnh thì việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là điều mà các DN thực phẩm cần tranh thủ. Như lưu ý của Ts. Frauke Schmitz-Bauerdick, Trưởng đại diện Cục Xúc tiến thương mại và đầu tư của CHLB Đức (GTAI) tại Việt Nam, các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam - EU (EVFTA) mang đến triển vọng lớn cho ngành thực phẩm Việt.

“Giao dịch trở nên dễ dàng, rẻ và nhanh hơn. Nhưng để cạnh tranh thì ngành thực phẩm Việt phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng”, Ts. Frauke chia sẻ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm