Cần Thơ chuẩn bị các thủ tục để xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc
Thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia kết nối quốc tế / Nâng cao kỹ năng quảng bá cho chuỗi cửa hành thực phẩm sạch tại Hà Nội
Ngày 5/10, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ tổ chức hướng dẫn làm hồ sơ, đăng ký thủ tục cấp mã số vùng trồng (code), quy trình sản xuất… cho hợp tác xã, tổ hợp tác tại huyện Phong Điền nhằm giúp họ nắm bắt quy định đăng ký mã số vùng trồng phục vụ cho việc thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Theo kế hoạch, năm 2023, Cần Thơ sẽ có lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với người trồng sầu riêng ở Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng.
Đến thời điểm hiện nay, Cần Thơ chưa có hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân nào được cấp mã số vùng trồng sầu riêng. Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Cần Thơ đã tiếp nhận 6 hồ sơ yêu cầu được cấp mã số vùng trồng cho sầu riêng.
Việc phải đăng ký cấp mã số vùng trồng mới được xuất khẩu chính ngạch, nên hiện nhiều người dân thuộc các tổ hợp tác và hợp tác xã đã tham gia tìm hiểu thông tin về hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp mã số vùng trồng để sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Vườn sầu sầu riêng chuyên canh tại huyện phong Điền, TP Cần Thơ.
Theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, sầu riêng xuất khẩu chính ngạch phải có hợp đồng liên kết giữa mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Để tạo điều kiện cho hợp tác xã tìm kiếm doanh nghiệp liên kết, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật còn mời doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đến trao đổi những thắc mắc, vấn đề mà hợp tác xã, người trồng sầu riêng quan tâm để cùng nhau tìm hướng liên kết.
Về tiêu chí sản xuất sầu riêng được quy định trong Nghị định thư của Trung Quốc không phải là khó với người nông dân. Vấn đề chỉ là người dân chưa quen với tập quán sản xuất mới, không chú ý đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật. Do đó, người dân phải tiếp cận lại quy trình sản xuất mới như: ghi chép nhật ký sản xuất để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật được cho phép... để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ cho biết, những năm trước đây, người dân, hợp tác xã được doanh nghiệp liên kết làm mã số vùng trồng, nhưng quá trình liên kết chưa được như mong muốn. Hiện nay, mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu không phân biệt của hợp tác xã hay doanh nghiệp và hợp tác xã phải biết cách làm hồ sơ cấp xã số vùng trồng.
Nếu trước đây chỉ có 1 - 2 doanh nghiệp liên kết với người dân trồng sầu riêng thì từ khi có Nghị định thư của Trung Quốc về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này đã có nhiều doanh nghiệp trong nước liên kết trồng sầu riêng đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.
Điều quan trọng để sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, theo bà Hiếu, người trồng sầu riêng phải được cấp mã số vùng trồng và doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói. Ngoài yếu tố thủ tục thì đòi hỏi chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện mới có một hợp tác xã của huyện Phong Điền đủ diện tích để cấp mã số vùng trồng, số diện tích còn lại phân tán nhỏ lẻ, không đủ 10 ha/hộ. Vì vậy, người dân nên liên kết thành lập tổ hợp tác để đủ diện tích đăng ký mã số vùng trồng.
Do thời gian cấp mã số vùng trồng phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc nên người dân cần triển khai sớm xây dựng mã số vùng trồng để vụ sầu riêng 2023 đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được cấp mã số vùng trồng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn chi tiết cho lực lượng cộng tác viên bảo vệ thực vật cấp xã, khuyến nông xã để hỗ trợ người dân làm thủ tục mã số vùng trồng vì nhiều nông dân lớn tuổi khó tiếp cận công nghệ thông tin để xác định tọa độ vườn, triển khai App đăng ký cấp mã số vùng trồng trực tuyến của Cục Bảo vệ thực vật đang được ứng dụng …
TP Cần Thơ hiện có 2.500 ha diện tích trồng sầu riêng, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền với 2.150 ha. Mỗi năm, sản lượng sầu riêng của Phong Điền cung ứng ra thị trường khoảng 14.200 tấn. Xã Tân Thới là địa phương được quy hoạch chuyên canh sầu riêng với 1.200 ha. Tuy nhiên, hiện nay địa phương mới chỉ có một hợp tác xã trồng sầu riêng với diện tích 25 ha.
End of content
Không có tin nào tiếp theo