Hỗ trợ doanh nghiệp

CEO DKRA Phạm Lâm: Doanh nghiệp bất động sản đã đến lúc cần nguồn “oxy” để sống qua đại dịch

DNVN - Ảnh hường từ dịch COVID-19 đã khiến việc triển khai, mua bán dự án BĐS của doanh nghiệp "đóng băng", nhiều sàn giao dịch địa ốc đứng trước nguy cơ phá sản, hàng ngàn môi giới bỏ việc. Điều mà doanh nghiệp BĐS mong muốn đó là nhanh chóng tiếp cận nguồn “oxy” vốn vay ưu đãi từ ngân hàng để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đồng Tháp: Duy trì tỉ lệ thất nghiệp chung ở mức dưới 1%

Đó là chia sẻ của ông Phạm Lâm- Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Sàn giao dịch và môi giới bất động sản vượt khó do ảnh hưởng COVID 19: Giải pháp và kiến nghị" vừa tổ chức mới đây.

Môi giới bất động sản bỏ việc do đại dịch

Ông Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện và lan rộng tới hầu hết các quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới, liên tiếp tạo ra những cú sốc về kinh tế, xã hội trên toàn cầu.

Theo đó, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam đã hứng chịu hàng loạt khó khăn, thiệt hại nghiêm trọng. Hàng nghìn nhà môi giới bất động sản rơi vào tình cảnh thất nghiệp và con số này đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nghiêm trọng hơn, từ khó khăn về kinh tế, đại dịch còn kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới bất động sản.

Theo ông Hà, trong gần 4 tháng qua, thị trường bất động sản đã gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tại các tỉnh thành có dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

Dịch đã kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới.

Dịch đã kéo theo tâm lý khủng hoảng, bỏ cuộc của nhiều cá nhân, đơn vị môi giới.

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều dự án phát triển bất động sản đã phải ngừng xây dựng, hoạt động mở bán, các hoạt động tiếp xúc và tư vấn khách hàng không thể thực hiện.

Hệ quả là doanh nghiệp không có doanh thu từ các giao dịch mua bán. Nhiều sàn môi giới bất động sản đã buộc phải cho nhân viên nghỉ việc do không có kinh phí để trả lương, nộp bảo hiểm xã hội, tiền thuê văn phòng và khoản chi phí khác.

"Hàng ngàn nhà môi giới rơi vào cảnh thất nghiệp, tâm lý bỏ cuộc của nhiều cá nhân đã ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường, gây bất ổn và những lo lắng xáo trộn", ông Hà cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đính- Tổng Thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong tình huống khó khăn bao vây các chủ đầu tư, hệ thống các sàn môi giới bất động sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Hơn 10 năm qua, hệ thống sàn môi giới bất động sản đã phát triển nhanh chóng về cả số lượng và chất lượng. Nhiều sàn có quy mô lên đến hàng trăm nhân sự, thậm chí vượt con số 1.000 nhân viên kinh doanh. Đây là đội ngũ nòng cốt có vai trò quan trọng làm cầu nối giúp các chủ đầu tư phân phối sản phẩm bất động sản đến với khách hàng.

“Song, đối mặt với đại dịch, các sàn môi giới bị thiệt hại nặng nề do đa số các doanh nghiệp môi giới nguồn lực mỏng, không đủ dự phòng khi thị trường ngưng trệ kéo dài, không có sản phẩm để bán, dẫn đến doanh thu không có. Trong khi các chi phí duy trì hoạt động như trả lương nhân viên, thuê mặt bằng, điện nước... Ít nhất có khoảng 30% các sàn môi giới bất động sản giải thể trong đợt đại dịch lần thứ 4 này”, ông Đính cho hay.

Hiện thị trường bất động sản đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn chồng chất, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng vẫn phải dừng hoạt động khiến nguồn cung không được cải thiện; lực cầu suy yếu, giá cả tăng mạnh, nguy cơ bong bóng…

Đang rất cần “oxy” để tiếp tục “sống”

Tại tọa đàm trực tuyến này, ông Phạm Lâm- Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho biết, hiện 50% đơn vị bất động sản có nguy cơ ngừng hoạt động cao, 30% doanh nghiệp đặc biệt khó khăn và 20% sàn giao dịch đang đứng trên bờ vực phá sản. Các sàn giao dịch đang rất cần “oxy” để tiếp tục “sống”.

Ông Lâm dẫn chứng tại TP Hồ Chí Minh, với các công ty quy mô lớn, thu nhập của môi giới bất động sản giảm trung bình 40 - 50% so với 6 tháng trước. Các công ty nhỏ cũng có con số sụt giảm thu nhập khoảng 70-80% bởi doanh số bán hàng suy giảm mạnh trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường khó khăn, thanh khoản kém…

Do lượng giao dịch trên thị trường địa ốc lao dốc mạnh so với trước dịch nên thu nhập của môi giới cũng giảm sâu. Bởi lẽ, thu nhập của sale bất động sản từ nguồn hoa hồng bán hàng là chính, lương cơ bản hàng tháng không đáng kể so với chi phí marketing sản phẩm trung bình 12 - 15 triệu đồng một tháng. Sau 4 đợt dịch, thu nhập của môi giới hiện không đủ chi tiêu, phần lớn trang trải cuộc sống từ các nguồn tiền đã tích luỹ từ trước.

CEO DKRA Phạm Lâm: Doanh nghiệp bất động sản đã đến lúc cần nguồn “oxy” để vượt qua đại dịch.

CEO DKRA Việt Nam Phạm Lâm cho biết, doanh nghiệp bất động sản đã đến lúc cần nguồn “oxy” để vượt qua đại dịch.

Ông Lâm phân tích, tất cả các công ty môi giới phần lớn đều gặp rất nhiều khó khăn, giao dịch giảm mạnh do ảnh hưởng trực tiếp từ việc số ca nhiễm tăng, nhiều nơi phong tỏa. Khách hàng quan tâm vấn đề an toàn sức khoẻ, cũng như việc tiếp xúc trực tiếp khó khăn và bị hạn chế nên việc tìm hiểu thông tin các dự án tại dự án, công ty hoặc văn phòng nhà mẫu cũng giảm mạnh. Nguồn cung sản phẩm cũng có những trở ngại khi chủ đầu tư nhìn thấy bức tranh chưa thuận lợi có thể sẽ cân nhắc việc tung sản phẩm giai đoạn hiện nay và chờ đợi.

“Vì COVID-19, các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp môi giới bị đảo lộn, đặc biệt với những đơn vị mới bắt đầu phát triển, mở rộng hệ thống. Việc giãn cách xã hội cũng khiến các doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động nhưng vẫn phải chi trả các chi phí về vật chất, con người, lãi vay... trong khi doanh thu không đáng kể. Điều này khiến doanh nghiệp không trụ nổi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp môi giới hiện cũng gặp vấn đề trong thu hồi công nợ bởi các chủ đầu tư gặp khó, liên luỵ đến các sàn”, ông Lâm cho biết.

Trước thực trạng đó, giải pháp thích nghi được ưu tiên triển khai là chuyển qua hoạt động online đồng thời cũng kiến nghị, các cơ quan hữu quan sớm triển khai các chính sách hỗ trợ giảm - giãn - hoãn thuế (VAT, thu nhập doanh nghiệp), lãi vay để doanh nghiệp có thời gian ổn định lại tài chính. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng mong được tiếp cận nguồn vay với lãi suất ưu đã để chi trả các khoản cố định, đầu tư vào kinh doanh, sớm có doanh thu trở lại.

"Doanh nghiệp trong ngành bất động sản như đang nhiễm COVID-19. Do vậy điều mà các doanh nghiệp cần lúc này đó là tiếp cận những chính sách hỗ trợ từ nhà nước cũng như hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi lãi suất 0% của ngân hàng để chi trả các khoản cố định và đầu tư vào hoạt động kinh doanh, để sớm có doanh thu trở lại. Sự hỗ trợ này chính là nguồn “oxy” để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Lâm kiến nghị.

Văn Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm