Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề
Doanh nghiệp thuỷ sản kiến nghị giảm ít nhất 50% các phí dịch vụ tại cảng biển / Triển khai Luật Quy hoạch còn chậm và lúng túng: Thủ tướng chỉ đạo cần phải đi trước một bước
Theo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã giải ngân khoảng 116.000 tỷ đồng và 122 triệu USD cho vay ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; trong đó, với gói tín dụng ưu đãi 200.000 tỷ đồng, doanh số giải ngân đến ngày 31/7/2021 đạt trên 102.000 tỷ đồng với khoảng 9.000 khách hàng.
Đây là chương trình ưu đãi tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã được triển khai ngay từ tháng 4/2020 với quy mô 100.000 tỷ đồng, sau đó được nâng lên gấp đôi là 200.000 tỷ đồng từ tháng 6/2021. Chương trình hỗ trợ mức lãi suất thấp hơn từ 2-2,5% so với cho vay thông thường, đồng nghĩa với việc khách hàng có thể tiếp cận mức lãi suất giảm còn 4,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn và 6,5%/năm đối với các khoản vay trung, dài hạn.
Khách hàng giao dịch tại Hội sở chính Vietcombank. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Cụ thể, Vietcombank tiếp tục giảm lãi suất tới 0,5%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; giảm lãi suất tới 0,3%/năm cho toàn bộ dư nợ vay của khách hàng tại các địa bàn tỉnh, thành phố phía Nam khác áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 bao gồm Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Đối với TP Hồ Chí Minh cũng có những sửa đổi chính sách theo hướng có lợi cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong tình hình hiện nay, khả năng các nhà cung cấp nguyên phụ liệu phải dừng hoạt động khi xuất hiện trường hợp F0 có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi đó, doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu và phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm thiết yếu sẽ bị thiếu.
Việc tăng dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất cũng như dự trữ trong nước được xem là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Điều này nhằm ổn định giá, đảm bảo cho sản xuất, cung ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng cho người dân.
Thành phố đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp duy trì, ổn định sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp lương thực, thực phẩm và các doanh nghiệp sản xuất vật tư tiêu hao phục vụ ngành y tế trên địa bàn thành phố; miễn giảm lãi suất vay và cho vay mới với hạn mức tín dụng cao hơn.
Đồng thời, thành phố đẩy nhanh quá trình giải ngân các khoản vay; chủ động về nguồn vốn gắn với các chương trình tín dụng ưu đãi, gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi để bổ sung nguồn vốn thu mua dự trữ nguyên liệu, vật tư hàng hóa dành cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu để bình ổn thị trường và phục hồi sản xuất sau khi dịch được kiểm soát.
Dưới góc độ của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.Hồ Chí Minh cho biết, hiện ngành ngân hàng thành phố cũng đang tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong ngành lương thực, thực phẩm.
Đối với ngành dịch vụ, nhiều ứng dụng gọi xe công nghệ cũng đã ra mắt nhằm hỗ trợ cộng đồng. Cụ thể, ngày 19/8, Gojek - nền tảng công nghệ đa dịch vụ theo yêu cầu hàng đầu Đông Nam Á, công bố ra mắt dịch vụ gọi xe ô tô công nghệ GoCar tại Tp Hồ Chí Minh. Đây là dịch vụ được sự phối hợp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh, gồm: Sở Giao thông Vận tải và Sở Y tế.
GoCar sẽ dành riêng phục vụ đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế đi và đến ba Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Huế; Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tp. Hồ Chí Minh (HCDC). Danh sách hệ thống bệnh viện, đơn vị phục vụ có thể mở rộng thêm theo hướng dẫn và chỉ định của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh.
Tương tự, trong tháng 8/2021 này, Be Group cũng đã công bố Chiến dịch “Thành phố gọi, Be sẵn sàng” nhằm phối hợp với cơ quan chức năng, chung tay với cộng đồng trong phòng chống dịch và chăm lo đời sống người dân. Cụ thể, Be Group đồng hành cùng Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh tiếp nhận và xử lý thông tin yêu cầu hỗ trợ của người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Các thông tin được người dân cung cấp thông qua cuộc gọi xác nhận do tổng đài viên của Be Group thực hiện sẽ được chuyển hoàn toàn cho Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh thực hiện tổng hợp và gửi đến cơ quan có thẩm quyền để kịp thời xử lý, hỗ trợ người dân. Hơn thế nữa, đội ngũ tổng đài viên và nhân viên của Be luôn sẵn sàng làm việc 24/24, với lực lượng chiếm đến 80% nguồn lực nhân sự của Be hiện tại.
Tại Cần Thơ, qua nhiều lần điều chỉnh mô hình cung ứng hàng hóa cho người dân trong mùa dịch, đến nay cơ bản thị trường hàng hóa thiết yết trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã dần ổn định, đảm bảo không còn tình trạng thiếu hay khan hiếm cục bộ.
Thường xuyên có mặt tại đường Trần Văn Hoài, thuộc phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều để mua thực phẩm, phóng viên nhận thấy nơi đây có tới 7 sạp bán hàng theo mô hình “mang chợ ra phố”; trong đó, có từ 4-5 điểm bán hàng rau, củ, quả. Hàng hóa được bày bán trên vỉa hè và được chủ các điểm bán hàng giăng dây, bố trí nước rửa tay diệt khuẩn để phòng, chống dịch khá tốt. Phần lớn hàng hóa đã được đóng gói hoặc buộc sẵn thành các loại từ 1-2kg để tiện cho người mua.
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho hay, tuy giãn cách, nhưng thành phố Cần Thơ vẫn đang có 9 siêu thị và 129/140 cửa hàng tiện ích bán online. Từ đó, bảo đảm cung ứng đủ các loại hàng thiết yếu cho người dân như: gạo, trứng, mì gói, các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả tươi.
Ngoài ra, Viettelpost Cần Thơ, VNPT Cần Thơ, Co.opmart cũng phối hợp với Sở Công Thương Cần Thơ mở thêm 8 điểm bán hàng lưu động. Mỗi điểm bán hàng đều có treo bảng giá, rào giãn cách và chai sát khuẩn. Người mua xếp hàng giãn cách theo quy định với sự giám sát của lực lượng bảo vệ do chính quyền địa phương cử ra hàng ngày.
Nhờ cách làm này, việc cung ứng hàng hóa ở Cần Thơ trong thời gian giãn cách, trừ mấy ngày đầu có lúng túng vì thiếu chợ truyền thống, nay đã trở lại tình trạng “bình thường mới” với cách đi chợ theo phiếu chẵn, lẻ của các hộ gia đình nhằm tuân thủ quy định “5K” trong phạm vi từng phường, xã.
Liên quan đến những khó khăn trong thu hoạch, tiêu thụ nông sản tại Đồng bằng sông Cửu Long do hạn chế lưu thông giữa các địa phương trong mùa dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông Vận tải chủ động thông tin, đồng thời, trao đổi về nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của địa phương nhằm phối hợp tháo gỡ theo đúng chức năng, thẩm quyền và hướng dẫn chung của các cấp chức năng. Đặc biệt là huy động phương tiện, "mở đường" tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Lê Đình Thọ, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vận tải đường thủy là loại hình vận tải hiệu quả nhất. Vì vậy, hiện nay, tất cả các tuyến vận tải thủy đều được coi là “luồng xanh”, tức là, hoạt động bình thường và phải tuân theo quy định phòng, chống dịch COVID-19.
End of content
Không có tin nào tiếp theo