Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xã hội: Tất cả đều chung chung, chưa cụ thể hóa
DNVN - Đây là nhận định chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Thảo tại hội thảo "Doanh nghiệp xã hội cộng đồng - Thực trạng và giải pháp" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức vào chiều 05/3. Và đây chỉ là một trong vô vàn rào cản mà loại hình doanh nghiệp này đang gặp phải.
Tổng cục Thuế hỗ trợ trực tuyến quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp / Vì sao gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam?
Theo CIEM, khái niệm doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã xuất hiện từ lâu và là giải pháp mới để giải quyết các vấn đề xã hội có hiệu quả, bền vững và công bằng hơn; và giá trị tạo ra được chủ yếu phục vụ cho lợi ích chung của xã hội chứ không phải lợi ích xã hội.
Khảo sát của CIEM và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho thấy, Hòa Bình và Lào Cai là các tỉnh nghèo vùng núi Tây Bắc, nơi có nhiều dân tộc, đa văn hóa; quy mô kinh tế nhỏ, phụ thuộc từ 60-70% ngân sách hỗ trợ từ Trung ương.
Quy mô doanh nghiệp, hộ kinh doanh đa số là nhỏ, kinh doanh manh mún; vốn nhân lực, khoa học, quản trị… năng lực cạnh tranh hạn chế…Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp này còn phân tán; quy mô nhỏ; trong nhiều trường hợp chưa thiết thực.
Toàn cảnh hội thảo.
Theo điều tra của CSIP, Hòa Bình hiện mới có 10/14 DNXH cộng đồng được tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng với quy mô vay vốn còn thấp và lãi suất vay còn cao. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Lào Cai có là 16/22.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của CIEM, chỉ ra rằng, chính sách hỗ trợ cho DNXH của trung ương rất nhiều nhưng không cụ thể, tất cả đều là những chính sách chung chung. Trong khi đó, ở địa phương các kế hoạch hành động cũng trong tình trạng tương tự, chỉ đơn thuần nhắc lại nội dung chính sách từ các văn bản của trung ương.
"Chính sách thì có nhưng chung chung, không thể cụ thể hóa. Báo cáo thì đầy đủ nhưng việc triển khai thực thi đến DN thì rất hạn chế. Có thể nói chính sách chưa đến được DNXH cộng đồng", bà Thảo nhấn mạnh.
Bà Thảo đã chỉ ra 6 khó khăn lớn nhất của DNXH, đó là: Vốn, nhân lực, tiếp cận thị trường, quản trị doanh nghiệp, rào cản về thủ tục hành chính, nhận thức chung về DNXH còn hạn chế.
Đại diện DNXH điển hình tại Lào Cai, bà Tẩn Thị Su, Giám đốc DNXH Du lịch Sapa O'Chau chia sẻ những khó khăn trong những ngày đầu thành lập DN. Rào cản về ngôn ngữ khi nói tiếng Kinh không tốt, gia đình nghèo, điều kiện kinh tế địa phương khó khăn, thủ tục hành chính rắc rối... đã tác động lớn đến ước mơ thấy những mảnh đời trên quê hương mình thay đổi.
Bà Tẩn Thị Su, Giám đốc DNXH Du lịch Sapa O'Chau
Bà Su đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn về nguồn vốn hay tiếp cận đất đai. Hiện doanh nghiệp của bà Su vẫn phải đi thuê nhà, trên chính mảnh đất của mình nhưng. Trong khi đó, nguồn vốn vay bị hạn chế.
"Nếu chỉ được vay 50 triệu như hiện nay thì doanh nghiệp chỉ làm được nhà vệ sinh chứ không thể làm cái nhà đẹp để đón khách được", bà Tẩn Thị Su nói.
Đồng cảm với phản ánh từ doanh nghiệp, ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, DNXH có mỗi thuận lợi là sự tự tin và khát vọng, còn khó khăn thì vô vàn.
Theo ông Hiếu, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là DNXH, phát triển thì cải cách điều kiện kinh doanh là vấn đề sống còn.
Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng CIEM
"Chẳng hạn muốn kinh doanh du lịch lữ hành quốc tế thì phải ký quỹ 250 triệu trong khi đi vay vốn thì chỉ được 50 triệu như giám đốc Su phản ánh. Rồi còn phải có 4 năm kinh nghiệm ở những lĩnh vực mà một người phải nghỉ học rất sớm để bán hàng như cô bé Su ngày trước thì không thể nghĩ tới", ông Hiếu phản ánh.
Giám đốc DNXH Du lịch Sapa O'Chau kiến nghị, nên thiết lập một ban tư vấn (cấp tỉnh, huyện) dành cho các DN nhỏ và các mô hình khởi nghiệp tại cộng đồng; Tạo nhiều hơn những chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh. Mức cho vay phải hợp lý mới kinh doanh hiệu quả và tránh lãng phí vốn Nhà nước.
Ngoài ra, Nhà nước cần tạo điều kiện về đất đai cho DN địa phương để phát triển kinh doanh. Có thêm những chương trình học hỏi, đào tạo năng lực chuyên sâu, cụ thể là tư vấn đồng hành và cầm tay chỉ việc cho các DN và người dân.
Ghi nhận những kiến nghị của doanh nghiệp, bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng cho biết CSIP và CIEM sẽ tổng hợp những khó khăn, đề xuất của DN để kiến nghị lên các cơ quan chức năng, qua đó góp phần hoàn thiện chính sách khuyến khích phát triển DNXH trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo