Dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số trong cộng đồng ASEAN
Bộ Công Thương ‘mách nước’ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tiến sâu vào thị trường châu Phi / Hôm nay (25/6), khai mạc “Diễn đàn về Kinh tế ASEAN, Doanh nghiệp tiêu biểu ASEAN”
Một ASEAN đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng đang được các nước thành viên xây dựng trong lộ trình hoàn thành các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Trải qua hơn 5 thế kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã phát triển thành một tổ chức quy mô với nội dung hợp tác ngày càng sâu rộng, gặt hái nhiều thành công, mở ra vận hội mới trong lịch sử khu vực Đông Nam Á. ASEAN còn là lực lượng sáng lập và đóng vai trò quan trọng trong các cơ chế hợp tác liên khu vực như Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Á-Âu (ASEM) và Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC).
Hình ảnh Hội nghị trù bị Quan chức cao cấp ASEAN và Hội nghị Quan chức cao cấp về Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến vào ngày 22/6/2020 do Việt Nam chủ trì. (nguồn: Baoquocte.vn)
Ngày 28/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam. Trong chặng đường một phần tư thế kỷ gia nhập và gắn bó với ASEAN, Việt Nam là thành viên luôn tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm và đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nắm bắt tốt những cơ hội của thời cuộc để chủ động thích nghi và đổi mới; May 10 cũng không nằm ngoài vóng xoáy đó.
Ngày 1/1/1996, Việt Nam chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA). Đây được coi là một bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cũng trong năm 1996 Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM). Đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC).
Ngay sau khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, góp phần hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, mở ra một trang mới của đoàn kết, hữu nghị và hợp tác ở khu vực. Trải qua năm tháng, giấc mơ một ASEAN với 10 nước Đông Nam Á đã thành hiện thực. Ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN được hình thành; ASEAN-10 là một trong những mốc phát triển quan trọng của Hiệp hội, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới và đòi hỏi 10 quốc gia thành viên phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng một cộng đồng, trong đó hơn 630 triệu người trong Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều.
ASEAN cũng đạt được những bước tiến về hội nhập dịch vụ, hay hiện thực hóa tầm nhìn về một nền kinh tế kỹ thuật số, hướng tới một cộng đồng ASEAN bền vững, an toàn, sáng tạo, toàn diện và hợp nhất. Một ASEAN đổi mới, sáng tạo và hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng đang được các nước thành viên xây dựng trong lộ trình hoàn thành các mục tiêu của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác hàng đầu thế giới, định vị vững chắc vị trí là vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, được sự tôn trọng và hợp tác của các cường quốc, các đối tác trên thế giới. ASEAN như một địa chỉ tin cậy, một xúc tác quan trọng để gắn kết và hài hoà các lợi ích đan xen, cùng hướng tới mục tiêu chung là duy trì hòa bình, ổn định và cùng phát triển thịnh vượng.
Là thành viên có dân số lớn thứ 3 và diện tích đứng thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và được các nước thành viên khác đặt nhiều kỳ vọng. Dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN. Việt Nam đã chủ động đi đầu trong các nội dung có lợi thế và kinh nghiệm như: hợp tác viễn thông, nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Năm 2020 là một dấu mốc đặc biệt, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng ASEAN và 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Đây cũng là năm thứ hai Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, sau lần đầu tiên tổ chức thành công trong tất cả các lĩnh vực vào năm 2010. Việc đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN trong năm nay chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, đáp ứng sự trông đợi, tin tưởng của các nước thành viên và đối tác.
Nước chủ nhà Việt Nam đã chọn chủ đề “Asean gắn kết và chủ động thích ứng” với 5 ưu tiên là: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của Asean vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN. “Gắn kết” thể hiện ý tưởng củng cố khối đoàn kết, thống nhất và sức mạnh nội tại của ASEAN, tăng cường kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.“Chủ động thích ứng” phản ánh nhu cầu của ASEAN nâng cao tính chủ động, sáng tạo và khả năng thích ứng trước những thời cơ và thách thức do những chuyển biến lớn trong cục diện khu vực và thế giới.
Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn và cũng mang lại nhiều cơ hội. Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong buổi Lễ khởi động năm Chủ tịch ASEAN 2020: Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo