DN tư nhân góp 70% tăng trưởng Ngành hàng không trong vài năm
(DNVN) - “Chúng tôi cho rằng những gì đã làm trong 6 năm bằng cả ngành hàng không Việt Nam đã phát triển trong 63 năm" - CEO Nguyễn Thị Phương Thảo đã tự hào như vậy.
TP.HCM: Yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm sai phạm tuyến metro số 1 / Lâm Đồng: Ủi đất, "đụng" trúng kho đạn cối
Ngày 17/1, Chính phủ và Ban Kinh tế T.Ư tổ chức Diễn đàn “Phát triển kinh tế tư nhân, củng cố liên kết giữa khu vực tư nhân trong nước với khu vực đầu tư nước ngoài".
Theo Báo Tri thức trẻ, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ với diễn đàn những thành tích “đồ sộ” của Vietjet Air như bung lụa giữa bầu trời.
Máy bay của hãng hàng không Vietjet do bà Phương Thảo làm CEO liên tục gặp sự cố trong thời gian gần đây.
Nào là, trong năm 2018, Vietjet Air đã đóng góp tăng trưởng hơn 23 triệu lượt khách trong tổng số 49 triệu lượt khách của ngành hàng không, thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 39 đường bay nội địa, 66 đường bay quốc tế tới Nhật, Hàn, Thái, Singapore, Camuchia… Thu hút khách trong các chuyến bay quốc tế được đánh giá cao. Tổng doanh thu đạt 52.000 tỷ đồng.
Nào là, Vietjet Air thuộc nhóm nộp thuế lớn nhất cả nước với số tiền thuế và phí lên 6.192 tỷ đồng, tương đương đóng góp ngân sách 1 tỉnh trung bình của Việt Nam.
Nào là, DN tư nhân đóng góp tới 70% kết quả tăng trưởng chung của cả ngành chỉ trong vài năm.
Nào là, những gì Vietjet Air đã làm trong 6 năm qua bằng cả ngành hàng không Việt Nam đã phát triển trong 63 năm.
Nào là, Vietjet Air năm nay vận hành hơn 80 tàu bay, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng sân bay, dịch vụ cung ứng khác như nhà ga, sân bay hoàn toàn phụ thuộc vào cái hệ thống gần như độc quyền của nhà nước từ nhiều năm nay. Vietjet Air là tư nhân không tấc đất cắm dùi tại các sân bay mặc dù tự thân hoàn toàn có năng lực đầu tư khẩn trương, chất lượng, hiệu quả và không dùng một đồng vốn ngân sách.
Tăng trưởng nhanh đi đôi với sự cố nghiêm trọng không khỏi làm cho người ta nghĩ đến sự phát triển thiếu bền vững? Cần nói thêm, Vietjet Air tăng trưởng “nóng”, trong thời gian ngắn đã xảy ra 7 sự cố tàu bay nghiêm trọng. Tuy sự cố tàu bay của Vietjet Air chưa có thiệt hại về người, nhưng rủi ro sang chấn tâm lý, đi lại…đã hiện hữu. Chính vì vậy, ngày 26/12/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn hoả tốc truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo kiểm tra toàn bộ quy trình, quy định trong lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng cảng hàng không, sân bay, tuyệt đối không để xảy ra tai nạn làm ảnh hưởng đến tính mạng người dân.
Vietnam Airlines đi trước về sau Vietjet? Ảnh: Vietnam Airlines.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể kí chỉ thị hoả tốc về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không đối với các chuyến bay của Vietjet Air. Chỉ thị nêu, trong thời gian ngắn, VietJet Air đã có 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không. Tình trạng để xảy ra liên tiếp các sự cố hàng không của Vietjet Air nói riêng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hàng không, tâm lý của hành khách tham gia bằng đường hàng không. Bộ Giao thông Vận tải nghiêm khắc cảnh cáo hãng hàng không VietJet đã để xảy ra các vụ việc uy hiếp an toàn bay trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn, an ninh hàng không đối với việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động khai thác tàu bay của Vietjet Air, đặc biệt kiểm tra về bằng cấp, chứng chỉ của tổ bay, nhân viên kỹ thuật phục vụ các chuyến bay, thời gian làm việc. Đánh giá lại toàn bộ yếu tố khai thác quản lý, đảm bảo kỹ thuật đối Vietjet. Đồng thời, yêu cầu Cục Hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh…
Xin được nhắc lại phát biểu đầy ấn tượng của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo: “Chúng tôi cho rằng những gì đã làm trong 6 năm bằng cả ngành hàng không Việt Nam đã phát triển trong 63 năm". Nghe thế, cả Ngành hàng không Việt Nam trông vào Vietjet Air chắc phải hổ thẹn lắm chứ (?) Và cũng xin chớ có nói rằng: Vietjet Air đang…”hợm mình”.
Đỗ Lê Tảo
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo