Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp muốn gỡ 'nút thắt' thủ tục hành chính

Chậm trễ, kéo dài thời gian cho thủ cấp giấy phép, chồng chéo ở khâu chính sách, cấp quản lý thiếu thẩm quyền để ra quyết định... là điều băn khoăn của giới doanh nghiệp ở Tp.HCM về môi trường đầu tư với mong muốn được tháo những “nút thắt” này.

UNESCO đào tạo nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo trong nghề làm phim với khóa học Show Don’t tell / Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ tạo lập, bảo hộ và quảng bá cho 10 nhãn hiệu trong năm 2021

Phía doanh nghiệp (DN) có giấy phép đầu tư vào Khu công nghệ cao Tp.HCM từ cuối năm 2017, nhưng mãi đến thời điểm hiện tại vào tháng 3/2021 thì DN mới chuẩn bị khởi công. Đó là trường hợp của Công ty TNHH cơ khí Duy Khanh.

Còn chậm trễ, chồng chéo

Nêu ra dẫn chứng từ DN nêu trên, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện Tp.HCM (HAMEE), cho rằng việc chậm trễ như vậy đến từ những rào cản, chồng chéo, thậm chí là “chọi nhau” trong khâu chính sách mà bản thân phía cơ quan quản lý cũng lúng túng.

HINH-2320-1616149696.jpg

Giới DN mong muốn môi trường đầu tư ở Tp.HCM tiếp tục cải thiện để họ không phải “đi lòng vòng”.

Qua tìm hiểu thì vấn đề chậm trễ của công ty Duy Khanh đến từ việc phải mất khoảng 3 năm để xin giấy phép xây dựng dự án (với diện tích hơn 5.000 m2, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng). Nhất là DN bị nghẽn, vướng ở nhiều khâu, từ khâu phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng cho đến những “giấy phép con” phía sau giấy phép xây dựng.

Điều đáng nói, khi thời gian xin được giấy phép càng kéo dài thì cơ hội của DN sẽ mất đi, rủi ro gia tăng và sẽ trở nên “ức chế” trước khâu thủ tục trong việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ việc này tại hội nghị góp ý cải thiện môi trường đầu tư ở Tp.HCM cuối tuần qua, ông Tống muốn lưu ý rằng khâu chính sách còn chồng chéo dẫn đến sự chậm trễ như vậy. Nhưng, nếu như cấp quản lý quyết tâm hơn, hỗ trợ nhiều và quyết liệt hơn thì việc giúp cho hoạt động đầu tư của DN sẽ nhanh hơn.

Ngoài vấn đề nêu trên, vị chủ tịch của HAMEE còn bày tỏ băn khoăn là các DN cơ khí - điện vừa và nhỏ ở Tp.HCM vẫn đang hoạt động rải rác trong khu dân cư, trong khi chi phí để vào các khu công nghiệp đối với họ lại quá cao. Một số DN cơ khí có vào khu công nghiệp thì tính hiệu quả lại thấp vì thiếu sự hỗ trợ từ những DN cùng nhóm ngành.

“Cho nên, điều mong muốn là Tp.HCM nên có một cụm công nghiệp hoặc khu công nghiệp dành cho các DN vừa và nhỏ trong mảng cơ khí - điệnđể việc hợp tác phát triển của DN được nâng lên tốt hơn”, ông Tống nói.

 

Trong việc “tháo gỡ” nút thắt đầu tư thì 3 năm trở đây, UBND Tp.HCM thông qua Tổ công tác về đầu tư trên địa bàn thành phố đã kết luận hướng xử lý vướng mắc đối với 92 dự án.

Trong đó, hiện có 35 dự án, với tổng mức đầu tư hơn 320.000 tỷ đồng, với các khó khăn đã được tháo gỡ, đang triển khai thực hiện các bước đầu tư tiếp theo. Còn 57 dự án cần đánh giá lại pháp lý, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để củng cố hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Đừng để doanh nghiệp “đi lòng vòng”

Ở góc độ là thành viên của Chi hội DN Khu Công nghệ cao Tp.HCM, khi góp ý về vấn đề cải cách thủ tục hành chính nhanh gọn cho giới đầu tư, bà Hồ Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Product Việt Nam, nhấn mạnh: “Về mặt lý thuyết thì thời gian đã có quy định rõ, nhưng thực tế việc cấp phép vẫn mất nhiều thời gian cho phía DN, như liên quan đến vấn đề môi trường, xây dựng, quy hoạch...”.

Để khơi thông chuyện này, bà Uyên cho rằng cấp quản lý cần đối thoại nhiều hơn nữa với các DN để lắng nghe những kiến nghị thực tế của phía DN nhằm tháo gỡ kịp thời vướng mắc.

 

Nêu dẫn chứng cụ thể như ở Khu công nghệ cao Tp.HCM, theo bà Uyên thì mô hình “một cửa” tại đây không còn hấp dẫn như trước đây và có nhiều thủ tục mà DN phải chờ hàng tháng.

“Chúng tôi rất hiểu và chia sẻ có những quy định vượt quá thẩm quyền của UBND Tp.HCM. Tuy nhiên, điều cần làm là nên có hướng kiến nghị để việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước được tốt hơn”, vị nữ giám đốc đối ngoại của Intel chia sẻ.

Theo giới chuyên gia, để cải thiện môi trường đầu tư thì điều cần thiết là ở địa phương nên tiếp tục có các giải pháp nâng cao hơn nữa chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Như Tp.HCM hiện đang đứng thứ 15 trong cả nước về chỉ số PAPI và rất cần cải thiện. Nhất là chính quyền phải lắng nghe ý kiến của DN để cùng nhau sớm tháo gỡ những khúc mắc trong vấn đề đầu tư.

Đặc biệt là các sở, ngành, đơn vị ở thành phố phải tập trung các giải pháp trọng tâm về cải cách hành chính, thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ chế chính sách thu hút đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

 

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, cho rằng để Tp.HCM vào top 5 tỉnh thành dẫn đầu chỉ số PAPI thì 10 nhóm giải pháp mà thành phố đang đưa ra là rất hữu ích. Và các DN sẵn sàng hợp tác với chính quyền nhằm hiến kế để thúc đẩy tăng trưởng và có môi trường đầu tư tốt hơn nữa.

Còn theo ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các DN Khu công nghiệp Tp.HCM, việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ở Tp.HCM là điều hết sức cần thiết, nếu không cải thiện thì thành phố này sẽ thua kém các địa phương khác trong việc đón “sóng” chuyển dịch đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.

Là người từng tham gia xây dựng cơ chế “một cửa” ở khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, Tp.HCM), ông Bé chia sẻ kinh nghiệm lớn nhất trong việc đề ra cơ chế này là không chỉ đối với ban quản lý khu chế xuất mà cả với trung tâm hành chính công. Nếu thực hiện tốt cơ chế đó thì các nhà đầu tư chắc chắn sẽ không phải “đi lòng vòng” !

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm