Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp, tập đoàn lớn "được rất nhiều" khi đầu tư vào khởi nghiệp sáng tạo

DNVN - Mặc dù nhấn mạnh vai trò nhất định của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, song ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, thực chất, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng được rất nhiều khi đầu tư vào các startup.

5.000 tỷ đồng hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo / Chính sách khởi nghiệp: Cần hỗ trợ trực tiếp thay vì chỉ ở vòng ngoài

Ông Trần Xuân Đích đã đưa ra nhận định trên tại "Hội nghị trực tuyến: Vai trò của doanh nghiệp lớn/tập đoàn trong thúc đẩy khởi nghiệp", do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 05/3 tại Hà Nội.
Theo đánh giá của Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, trong những năm gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã và đang có những sự phát triển hết sức năng động trong thời gian vừa qua, và thậm chí được đánh giá là hệ sinh thái hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Thực tế là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đóng góp một phần vô cùng quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam.
Việc các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo (KNST) không còn xa lạ trên thế giới nhất là tại những quốc gia có hệ sinh thái KNST phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore… Doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ sự hỗ trợ của các tập đoàn như vốn, kinh nghiệm quản trị…
Cùng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay, xu thế các doanh nghiệp lớn đang đầu tư vào đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Các doanh nghiệp lớn là bệ đỡ đào tạo nguồn nhân lực.
Về yếu tố khung pháp lý và cơ sở hạ tầng. TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, nói lên tiếng nói thúc đẩy cho hạ tầng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp có vai trò quan trọng của các doanh nghiệp lớn. Tương tự, việc xây dựng văn hoá quốc gia đều có sự ảnh hưởng lớn từ các doanh nghiệp lớn.
“Từ đó, có thể khẳng định các doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của các quốc gia hiện nay”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết, các tổ chức quốc tế gần đây đánh giá Việt Nam có hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, tong đó, vai trò lớn là của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Thống kê năm 2018 và nửa đầu năm 2019, hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp của Việt Nam chào đón 38 thương vụ lớn, trong đó có đến 27 thương vụ đầu tư vào Startup. Việt Nam đang nổi lên là thị trường sáng về đầu tư cho tư nhân, cho khởi nghiệp. Đây là tín hiệu tích cực cho đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ của Việt Nam.
“Các doanh nghiệp lớn hãy đặt các Startup lên vai mình, bằng cách đó hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là trách nhiệm xã hội quan trọng nhất của các doanh nghiệp. Bên cạnh việc các doanh nghiệp lớn kinh doanh phát triển nền kinh tế đất nước, điều đất nước cần nhất ở các doanh nghiệp là đào tạo các thế hệ doanh nhân cho tương lai đất nước. Chính các anh chị sẽ làm rạng danh màu cờ sắc áo của dân tộc Việt Nam”, Chủ tịch VCCI nhắn gửi các DN và tập đoàn lớn.
Mặc dù nhấn mạnh vai trò nhất định của các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, song ông Trần Xuân Đích cho rằng, thực chất, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng được rất nhiều khi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Ông Trần Xuân Đích - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN - Bộ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: Enternews)
"Ở chiều ngược lại, các tập đoàn sẽ nhận được mô hình kinh doanh tiềm năng, mở rộng khả năng tiếp cận và đáp ứng khách hàng thông qua các nền tảng công nghệ mới và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển. Mô hình hợp tác cùng có lợi này hiện cũng dần phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây", ông Đích nói.
Theo ông Đích, có ba hình thức và công cụ các doanh nghiệp, tập đoàn sử dụng nhằm cung cấp nguồn lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Thứ nhất, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn hỗ trợ bằng cách là những khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp KNST đặc biệt là các doanh nghiệp KNST theo hình thức B2B. Các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp KNST luôn mang tính đột phá so với quy trình/ sản phẩm truyền thống không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn khuyến khích đổi mới trong doanh nghiệp để tích hợp và tiếp cận với giải pháp mới đó.
Thứ hai, các doanh nghiệp và tập đoàn lớn có thể trở thành đối tác của doanh nghiệp KNST. Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra một cách mạnh mẽ đòi hỏi khả năng thích ứng và bắt kịp các xu hướng công nghệ mới thì nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn cách hợp tác với doanh nghiệp KNST để tận dụng nguồn lực chất xám và thúc đẩy tăng trưởng.
Việc hợp tác với doanh nghiệp KNST mang lại lợi ích vô cùng lớn về cắt giảm và tối ưu hóa chi phí R&D cho các ông lớn để đầu tư và sản xuất và mở rộng kênh bán hàng. Mặt khác, đối với doanh nghiệp KNST, việc hợp tác với với các doanh nghiệp sẽ giúp họ rút ngắn thời gian chứng minh sản phẩm phù hợp với thị trường.
Thứ ba, là trở thành nhà đầu tư cho doanh nghiệp KNST. Đây cũng là mong muốn của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian qua. Một số tập đoàn lớn trong nước như VinGroup, Viettel, CMC, FPT, NextTech… cũng đã thành lập quỹ đầu tư cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sau khi Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có hiệu lực.
Về vấn đề này, TS. Vũ Tiến Lộc đề nghị, các doanh nghiệp lớn phải tạo ra được hệ sinh thái với các doanh nghiệp nhỏ, các Startup công nghệ, khi đó mới có sức mạnh công nghệ mới, sáng tạo và phát triển năng động. Việc hỗ trợ Startup cũng chính là cách các doanh nghiệp lớn phục vụ nhu cầu phát triển của chính mình.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm