Hỗ trợ doanh nghiệp

5.000 tỷ đồng hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo

DNVN - Đây là mức kinh phí đề xuất trong Dự thảo Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025 mà Bộ Kế hoạch & Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý.

Tăng tính cạnh tranh của hàng Việt: Những lời khuyên hữu ích cho DNNVV / Sơn Klips NaNo "trình làng" sản phẩm mới

Thực hiện Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24/01/2019 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Chương trình công tác năm 2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 430/VPCP-TH ngày 20/2/2019; căn cứ Luật Hỗ trợ DNNVV và các đề xuất của Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025”.
Mục tiêu chung của chương trình là hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam; Tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển các DNNVV khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới.

Về hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, trong giai đoạn từ năm 2021-2025, Chương trình hỗ trợ để đạt được mục tiêu: Hoàn thiện và đưa vào vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Hỗ trợ phát triển 15-20 trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở ươm tạo DNNVV, khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ khoảng 3.000 DNNVV khởi nghiệp từ các ý tưởng, mô hình kinh doanh sáng tạo; Hỗ trợ khoảng 500 doanh nghiệp tham gia Chương trình gọi vốn thành công từ các Quỹ đầu tư, nhà đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần) được lựa chọn tham gia Chương trình theo một trong các phương thức quy định tại Điều 20 của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
Nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo gồm: Hỗ trợ phát triển hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ DNVVN sử dụng hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ đào tạo; Hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; Hỗ trợ tài chính, tín dụng cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; Hỗ trợ tăng cường năng lực, kết nối với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp.
Về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025, dự thảo nêu rõ mục tiêu là củng cố, nâng cấp các mô hình sản xuất tập trung, liên kết sản xuất hiện có để phát triển thành khoảng 60 cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị thuộc 6 ngành tiềm năng của nền kinh tế; Hỗ trợ ít nhất 6.000 DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia trong các cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến thuộc 6 ngành tiềm năng của nền kinh tế gia tăng ít nhất là 5% vào năm 2025 so với 2021; Hỗ trợ xây mới, nâng cấp từ 5-10 cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chương trình hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản xuất, chế biến thuộc 6 ngành tiềm năng: điện tử; cơ khí chế tạo; công nghiệp CNTT; dệt may; da giầy; nông, lâm, thuỷ sản. Đề án được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.
Nội dung hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị gồm: Hỗ trợ xây dựng và sử dụng cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV; Hỗ trợ về đào tạo; Hỗ trợ liên kết sản xuất, kinh doanh; Hỗ trợ phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường; Tư vấn về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đo lường, chất lượng; Hỗ trợ thực hiện các thủ tục về sản xuất thử nghiệm, kiểm định, giám định, chứng nhận chất lượng; Hỗ trợ tài chính, tín dụng; Thúc đẩy truyền thông, nâng cao nhận thức để doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản phẩm; Thúc đẩy hoạt động kết nối hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị sản phẩm.
Tổng kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình khoảng: 5.000 tỷ đồng, trong đó: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương (bao gồm cả vốn giải ngân qua Quỹ Phát triển DNNVV): 2.000 tỷ đồng; Vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương: 2.000 tỷ đồng; Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương: 750 tỷ đồng; Nguồn vốn xã hội hoá: 250 tỷ đồng
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm