Hỗ trợ doanh nghiệp

Doanh nghiệp Việt đang lạc quan trở lại?

Một số doanh nghiệp (DN) lớn trong nước đang tỏ ra lạc quan khi kỳ vọng gia tăng doanh thu, lợi nhuận trở trong năm nay với xu hướng sản xuất kinh doanh ngày càng tốt lên. Tuy nhiên, với các DN vừa và nhỏ, dường như vẫn đang chật vật để duy trì hoạt động, rất cần tiếp tục tái cấu trúc.

Bộ trưởng KH-ĐT: Mở thẳng đường ven biển Nguyễn Tất Thành kết nối khu đô thị cảng Liên Chiểu / Nhà đầu tư vẫn than khó giải phóng mặt bằng tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

Trong báo cáo thường niên được công bố tuần trước, CTCP tập đoàn thuỷ sản Minh Phú (một doanh nghiệp hàng đầu về xuất khẩu tôm) cho biết, mục tiêu doanh thu của họ trong năm nay gần 15,8 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước, và mục tiêu lãi sau thuế 1,4 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng đến 108%.

Doanh nghiệp lớn “vui" trở lại

Rõ ràng, DN này đang ở tâm thế lạc quan quan mới đưa ra các mục tiêu như vậy, trong khi kết quả kinh doanh hồi năm trước của họ với hầu hết các chỉ tiêu trong hoạt động sản xuất kinh doanh đều chưa đạt được kế hoạch đề ra do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

HINH-1223-1618568399.jpg

Các DN trong nước đánh giá xu hướng sản xuất kinh doanh sẽ tốt lên trong quý II/2021.

Không chỉ riêng Minh Phú, năm nay các DN lớn trong ngành tôm của Việt Nam cũng thể hiện sự “vui trở lại” khi đặt mục tiêu góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu cho toàn ngành đạt 4 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình gần 7%/năm.

Trong khi đó, ở ngành hàng cá tra thì CTCP Vĩnh Hoàn (DN xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên năm 2021, vẫn tỏ ra khá thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng, giảm 3% so với thực hiện năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu cá tra trong năm nay vẫn được cho là còn nhiều thách thức lớn do tác động của dịch Covid-19 khiến cho không riêng gì Vĩnh Hoàn mà nhiều DN khác trong ngành hàng này vẫn còn băn khoăn về mặt doanh thu, lợi nhuận.

Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và giảm bớt áp lực xuất khẩu trong năm 2021 này, theo Hiệp hội cá tra Việt Nam, hiện các DN trong ngành đang đầu tư và khai thác tối đa tiềm năng thị trường nội địa, với mục tiêu chiếm 10 - 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng.

Đó là chuyện của các DN nội địa ở ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản. Còn ở ngành công nghiệp thép đang cho thấy những thông tin khá lạc quan của các DN Việt về mặt sản xuất kinh doanh nếu nhìn vào tình hình doanh thu, lợi nhuận trong quý I/2021.

 

Đơn cử như Tập đoàn Hòa Phát có sản lượng bán hàng trong quý I hơn 2,16 triệu tấn thép các loại, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Sản phẩm thép HRC của DN này trong quý đầu năm đạt 665.000 tấn, tăng 75% so với quý IV/2020 (cùng kỳ chưa có). Sản phẩm ống thép của họ cũng ghi nhận 184.000 tấn sau 3 tháng đầu năm, tăng 27%.

Các DN khác như: Thép Nam Kim, Thép Tiến Lên... cũng ghi nhận tăng trưởng tốt, thiết lập kỷ lục bán hàng trong quý I/2021. Điển hình như Thép Tiến Lên lãi 120 tỷ đồng quý I, gấp hơn 30 lần cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp nhỏ tiếp tục tái cấu trúc

Còn theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) thì trong quý I/2021 sản lượng sản xuất thép thành phẩm của các đơn vị trong hiệp hội đạt 7,7 triệu tấn, tăng 34%; bán hàng đạt 6,8 triệu tấn, tăng 35,5%.

Các DN ngành thép được đánh giá là “được mùa” về sản lượng tiêu thụ, giá thép cũng tăng mạnh trong các tháng đầu năm, dự báo còn tăng đến quý II, quý III. Họ được cho là “thắng lớn” về sản lượng bán hàng khi công suất các nhà máy được nâng lên đáng kể, cũng như thị trường xây dựng dân dụng bắt đầu vào mùa, các dự án công trình hạ tầng được đẩy mạnh triển khai trên cả nước.

 

Có thể nói, việc tăng doanh thu, tăng lợi nhuận là điều mong mỏi của các DN Việt Nam sau những khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh như năm vừa vừa rồi. Câu hỏi đặt ra là liệu các DN Việt hiện có lạc quan trở lại hay chưa?

Trong kết quả khảo sát mới đây về xu hướng kinh doanh của Tổng cục Thống kê thì thấy rằng dự kiến quý II/2021 so với quý I/2021, có 85,1% số DN đánh giá xu hướng tốt lên và ổn định.

Trong đó, có 51% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên và 34,1% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định. Có 14,9% số DN dự báo khó khăn hơn so với quý I/2021. Mặc dù khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 86,2% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2021 tốt hơn thì tỷ lệ này ở khu vực DN trong nước cũng trên 80%.

Bên cạnh vấn đề lạc quan của DN nội địa thì một số ý kiến có lưu ý là nhiều DN xuất khẩu quy mô lớn đã phần nào có đơn hàng trở lại nhưng các DN vừa và nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn, và rất chật vật để duy trì hoạt động.

Trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, so với mức độ lạc quan của một số DN lớn thì các DN vừa và nhỏ cần tiếp tục tái cấu trúc lại danh mục sản xuất để có thể tạo tính liên tục và ổn định trong chuỗi cung ứng.

 

Ngoài ra, theo ông Dũng, các chủ DN nhỏ cũng cần chú trọng đến tiết giảm chi phí, dồn lực dự phòng cho những rủi ro lâu dài và chịu khó đầu tư cho hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) nhằm nghiên cứu những sản phẩm mới vừa mang đặc trưng của công nghệ vừa nhanh tiếp cận đến người tiêu dùng thông qua các ứng dụng trực tuyến.

Ngay cả việc tìm kiếm các kênh bán hàng, vị chuyên gia này cho rằng các DN vừa và nhỏ cũng cần chọn lựa lại cho phù hợp và không nên đi theo xu hướng “bầy đàn” vì DN có thể đối mặt nhiều bất trắc khi xảy ra khủng hoảng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm