Hỗ trợ doanh nghiệp

Đơn hàng đổ về, vì sao doanh nghiệp khó tăng năng suất?

Số lượng đơn đặt hàng mới được ghi nhận tăng trong Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 11/2021 vừa được công bố. Việc tăng năng suất bằng sản xuất thông minh nhằm đáp ứng các đơn hàng mới là điều mà các doanh nghiệp Việt cần tính tới trong bối cảnh thiếu hụt lao động, rủi ro sản xuất, chi phí gia tăng, khó thu được lợi nhuận….

Những lưu ý giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro khi ký hợp đồng giữa đại dịch COVID-19 / Tháo gỡ những vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp khi làm thủ tục xuất nhập khẩu

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Tp.HCM (Huba), cho biết qua trao đổi về việc phục hồi sản xuất, nhiềudoanh nghiệp (DN)nói rằng đang tiến triển tốt nhưng không có lãi.

Hoạt động cầm chừng do không có lãi

Theo ông Hưng, trong quý 4/2021, có những DN vẫn hoạt động cầm chừng nhằm nối lại mối làm ăn với các khách hàng và giữ lực lượng lao động để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2022.

HINH-8969-1638352414.jpg

Việc tăng năng suất bằng sản xuất thông minh nhằm đáp ứng các đơn hàng mới là điều mà các DN cần tính tới trong bối cảnh thiếu hụt lao động, rủi ro sản xuất, chi phí gia tăng, khó thu được lợi nhuận…

“Làm vào thời điểm này không có lời vì chi phí quá lớn. Đơn cử như chi phí y tế, rồi các điều kiện để DN có thể hoạt động được từ nguyên vật liệu, vận chuyển... khiến tăng giá thành sản phẩm. Do đó, DN làm chủ yếu là cầm chừng”, ông Hưng nói.

Trên thực tế, có nhiều DN vẫn ngần ngại quay lại hoạt động vì chưa yên tâm dịch Covid-19 sẽ còn “bùng” tới đâu. Nhất là với các DN nhỏ và vừa lại càng khó, Phó chủ tịch Huba cho rằng họ vẫn chưa mạnh dạn trở lại sản xuất vì vốn ít, nếu làm không lãi như hiện tại thì họ không làm.

Ở một số địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua ghi nhận của VnBusiness, có nhiều DN tính đến cuối tháng 11/2021 vẫn đang đối mặt khó khăn về việc thiếu hụt lao động. Ở một số lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, DN vẫn lo ngại nguồn cung đầu vào khan hiếm, chi phí nguyên vật liệu cao. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Mỹ, EU, Nhật... đang tăng làm cho DN thêm áp lực.

Như ở Bình Dương, các DN ngành gỗ và sản phẩm gỗ đang phải sắp xếp sản xuất hợp lý theo kế hoạch cung ứng nguyên vật liệu để kịp cung ứng đơn hàng XK. Trong khi đó, vấn đề thiếu lao động cũng như chi phí đầu vào tăng cao đang là thách thức lớn cho việc tăng tốc sản xuất.

Ông Tuấn, giám đốc kinh doanh của một DN gỗ cho biết công ty hiện vẫn bất an vì lo không đủ công nhân làm việc, việc tuyển mới lao động khó khăn nên không dám nhận quá nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài.

 

Cũng theo ông Tuấn, khi nguồn lao động thiếu hụt, công ty đang tính toán lại để tối ưu hóa các khâu sản xuất, ứng dụng thêm máy móc thiết bị hiện đại để tăng năng suất. Điều này nhằm khi có biến động vẫn duy trì được công suất đáp ứng kịp các đơn hàng.

Phía Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (Bifa) vừa qua có đưa ra thảo luận vấn đề quản trị sản xuất thông minh nhằm giúp các DN cắt giảm chi phí nhân sự, nâng cao năng suất vận hành, giảm thiểu rủi ro sản xuất,...trong bối cảnh hiện tại.

Vẫn chờ sản xuất thông minh

Còn ở tỉnh Đồng Nai, giá nguyên liệu, công vận chuyển hàng hóa tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng khiến cho nhiều DN lo lắng. DN cho biết chi phí vận chuyển nhiều mặt hàng cao hơn cả giá trị của sản phẩm và nếu đại dịch Covid-19 trên toàn cầu không được khống chế, DN vẫn đối mặt với nhiều rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tính đến cuối tháng 11/2021, thông tin từ Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho thấy, các DN trong khu công nghiệp phục hồi sản xuất được khoảng 99%. Tuy vậy, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhiều nhà máy vẫn phải duy trì cùng lúc các phương án để ổn định sản xuất, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ các đơn hàng.

 

Trong báo cáo mà IHS Markit vừa công bố, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam tháng 11/2021 đã tăng lên 52,2 điểm, cao hơn mức 52,1 điểm của tháng 10.

Theo đó, số lượng đơn đặt hàng mới tăng tháng thứ hai liên tiếp với tốc độ nhanh và mạnh nhất kể từ tháng 4 vừa qua. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới vẫn duy trì đà tăng, nhưng ghi nhận mức tăng khiêm tốn khi Covid-19 tiếp tục kìm hãm thương mại quốc tế.

Tuy nhiên, báo cáo này có chỉ rõ tình trạng thiếu hụt lao động đã làm hoạt động sản xuất bị thu hẹp. Nhất là một số nhà sản xuất cho biết người lao động lo lắng về dịch Covid-19, do đó e dè không muốn trở lại làm việc. Tâm lý này khiến việc làm trong ngành sản xuất tiếp tục giảm đáng kể và ghi nhận tháng giảm thứ 6 liên tiếp.

Kết quả là DN khó tăng được năng suất, trong khi khối lượng công việc gia tăng, dẫn đến lượng công việc tồn đọng đã tăng tháng thứ 3 liên tiếp.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng nêu rõ giá dầu và chi phí vận tải tăng, cộng với tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đã làm giá cả đầu vào tăng nhanh tháng thứ 3 liên tiếp và là mức nhanh nhất kể từ tháng 4/2021.

 

Để tăng năng suất trong bối cảnh mới “sống chung” với dịch Covid-19 rõ ràng không phải là điều dễ dàng đối với các DN Việt. Trong vấn đề này, theo Ts. Hà Minh Hiệp (Viện Năng suất Việt Nam thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), sản xuất thông minh sẽ giúp cho DN tăng năng suất, giảm giá thành.

Ông Hiệp dẫn lại câu nói của ông Klaus Schwab - người sáng lập và là Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới: “trong thế giới mới, không phải là cá lớn ăn cá nhỏ, mà là cá nhanh ăn cá chậm”. Chính vì vậy, nếu các DN Việt tự biến thành những con cá nhanh thì hoàn toàn có thể chiến thắng được, dù cho có quy mô nhỏ, điều kiện còn khó khăn.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm