EU có thể lùi triển khai quy định EUDR, tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Xuất khẩu thủy sản sang EU: Vẫn chủ yếu là nguyên liệu thô, ít hàng giá trị cao / EU chuộng sản phẩm may mặc bền vững, doanh nghiệp Việt cần lưu ý gì?
Quy định EUDR yêu cầu một số sản phẩm nông nghiệp nhất định nhập khẩu vào thị trường EU hoặc xuất khẩu từ EU không gây phá rừng và (đối với gỗ) không làm suy thoái rừng tính từ thời điểm 31/12/2020 và hợp pháp theo luật quốc gia có liên quan.
Ngày 15/11, Phái đoàn EU tại Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội thảo “Trao đổi kỹ thuật về EUDR và các chuỗi giá trị không gây phá rừng, suy thoái rừng” nhằm trao đổi các thông tin liên quan, trong đó có thông tin về các công cụ thúc đẩy truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Tiếp nối sự thành công của cuộc họp kỹ thuật vào tháng 7/2024, cuộc họp lần này tập trung vào các khía cạnh về truy xuất nguồn gốc, cũng như tạo cơ hội cho các bên liên quan tại Việt Nam trực tiếp nêu những thắc mắc về EUDR và các tác động của quy định này đối với các ngành hàng cà phê, gỗ, cao su.
Hội thảo đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy đối thoại giữa EU và Việt Nam về cách thức phối hợp nhằm bảo đảm các sản phẩm bền vững, được sản xuất hợp pháp và không gây mất rừng cho thị trường EU.
Chia sẻ tại hội thảo, TS Rui Ludovino - đại diện Phái đoàn của EU tại Việt Nam khẳng định, để bảo đảm việc triển khai EUDR một cách hiệu quả và minh bạch về mặt pháp lý, quy định này ban đầu dự kiến áp dụng từ tháng 12/2024, nay có thể được trì hoãn đến tháng 12/2025 đối với các doanh nghiệp lớn và tháng 6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Với đề xuất gia hạn thêm 12 tháng chuẩn bị, EU mong muốn tạo điều kiện cho tất cả doanh nghiệp, các quốc gia thứ ba và các bên liên quan khác có thêm thời gian chuẩn bị thích ứng cho việc triển khai EUDR", TS Rui Ludovino nói.
Với những diễn biến của EUDR, thời gian gấp rút và sự đa dạng của các bên liên quan quốc tế, Ủy ban cho rằng việc gia hạn thêm 12 tháng là một giải pháp cân bằng, giúp các doanh nghiệp trên toàn cầu triển khai hệ thống suôn sẻ ngay từ đầu. Đề xuất gia hạn này sẽ không thay đổi mục tiêu hay nội dung của luật, như đã được các nhà lập pháp EU đồng thuận.
EU cam kết tiếp tục hỗ trợ các bên liên quan tại Việt Nam bằng cách cung cấp các công cụ và thông tin cần thiết để hiểu rõ EUDR - một yếu tố quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm giảm thiểu nạn phá rừng và suy thoái rừng.
EU sẽ tận dụng khoảng thời gian này để tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia thứ ba và các đối tác khác. Đồng thời, tiếp tục triển khai các dự án đối thoại và hợp tác hiện có, tập trung vào tính hợp pháp, truy xuất nguồn gốc, và sự hòa nhập của các hộ sản xuất nhỏ, cùng nhiều yếu tố quan trọng khác.
Ông Tô Việt Châu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nhấn mạnh, mặc dù Ủy ban châu Âu (EC) đang cân nhắc đề xuất lùi thời gian áp dụng EUDR, Việt Nam không trì hoãn việc chuẩn bị và thích ứng với các yêu cầu của quy định này.
“Điều này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững, không gây phá rừng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Sự chủ động này sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của EUDR, từ đó củng cố vị thế về nhà cung cấp nông sản trách nhiệm, minh bạch và bền vững trên thị trường quốc tế”, ông Châu nói.
Được biết, Phái đoàn EU tại Việt Nam thông qua “Dự án EUDR Engagement” đã và đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác Việt Nam để tạo điều kiện đối thoại về các chủ đề về EUDR. Chính phủ Việt Nam, bao gồm các cơ quan ở cấp trung ương và địa phương cũng tích cực chuẩn bị và hỗ trợ các bên liên quan để tăng cường chuỗi cung ứng hợp pháp và không gây phá rừng.
Trong khuôn khổ dự án, Phái đoàn EU tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã có một số cuộc họp trao đổi thông tin liên quan đến quá trình thực hiện các yêu cầu của EUDR tại Việt Nam. Sau cuộc họp kỹ thuật lần thứ nhất vào tháng 3/2024, buổi trao đổi thông tin giữa Phái đoàn EU và Vụ Hợp tác Quốc tế vào tháng 6/2024 đã nhấn mạnh sự cần thiết của một sự kiện tiếp cận cấp khu vực đối với EUDR.
End of content
Không có tin nào tiếp theo