Hỗ trợ doanh nghiệp

Gỡ "nút thắt" cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm

Trước bất cập của Nghị định 87, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2018/NĐ-CP trong đó có bãi bỏ nghị định 87.

Nữ tài xế lùi xe bay qua lan can cầu, rơi xuống bờ kè sông Hồng / Đắk Lắk: Thành lập công ty hỗ trợ khởi nghiệp

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đã "dễ thở" hơn với Nghị định154/2018/NĐ-CP.

Rào cản tự do kinh doanh

Nghị định số 87 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Ngay trước thời điểm có hiệu lực, Nghị định đã nhận được nhiều ý kiến góp ý trái chiều của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Theo đó, Nghị định 87 quy định, doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, điều kiện về cơ sở vật chất được quy định là có diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất; Có kho chứa phù hợp để bảo đảm việc kiểm soát chất lượng của vật tư. Về thiết bị sản xuất, doanh nghiệp phải có đủ thiết bị ép vỏ mũ, ép lớp hấp thụ xung động (mút xốp), thiết bị dập đinh tán và các công cụ khác…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn phải có hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ thuộc sở hữu của mình hoặc đồng sở hữu, hoặc có giao kèo tiêu thụ sản phẩm bằng hợp đồng kinh tế; Các đại lý, cửa hàng này còn phải có địa chỉ rõ ràng, có biển hiệu treo ở vị trí dễ quan sát…

Theo ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, để xin đủ điều kiện sản xuất mũ bảo hiểm, doanh nghiệp phải mất cả tháng, đi lại nhiều lần để làm thủ tục hành chính này, cho dù các quy định trong dự thảo đều tính là ngày. Kinh phí xã hội phải bỏ ra sẽ rất lớn.

 

Ông Cung không hề quá lời khi phân tích vào từng điều kiện cụ thể đang được dự thảo. Với doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm, điều kiện về cơ sở vật chất được quy định là có diện tích mặt bằng phù hợp với quy mô sản xuất; có kho chứa phù hợp để bảo đảm việc kiểm soát chất lượng của vật tư.

Theo nhìn nhận của đại diện CIEM, các điều kiện này được ban hành hướng không khuyến khích tạo ra chuỗi sản xuất, không khuyến khích chuyên môn hóa. Điều này trái với xu hướng kinh doanh hiện đại, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp đứng tước nguy cơ đóng cửa.

Trong khi đó, tại thời điểm ban hành, liên quan đến hoạt động quản lý, sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện cơ giới đường bộ, Bộ KH-CN (đơn vị chủ trì soạn thảo) đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ, từ quy định về chất lượng, quản lý trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối mũ bảo hiểm, trách nhiệm của người sử dụng...

Góp ý thêm về Nghị định này, ông Cung cho rằng, không nên đồng nhất việc quy định điều kiện kinh doanh để xử lý vấn đề kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đây là trách nhiệm của các bộ, với các công cụ quản lý nhà nước hiện có. Không thể vì các bộ không làm tốt chức năng mà phải đưa thêm điều kiện cho doanh nghiệp. Các điều kiện kinh doanh này chỉ thực sự cần khi các bộ chứng minh được rằng, các công cụ hiện có đã được thực hiện hết, nhưng không có hiệu lực.

Góp ý cho Nghị định này, VCCI cho rằng, mục tiêu chính của việc soạn thảo Nghị định này là hạn chế mũ bảo hiểm kém chất lượng, đặc biệt là mũ giả mạo (nêu trong dự thảo Tờ trình Chính phủ). Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng sản phẩm lượng không nên và cũng không thể chỉ bằng các điều kiện kinh doanh mà cần thực hiện chế độ hậu kiểm một cách hiệu quả, thực chất, bằng nhiều biện pháp như quản lý thị trường, thanh tra, kiểm tra…

 

Gỡ "nút thắt" cách nào?

Theo VCCI, để thúc đẩy sử dụng mũ bảo hiểm đạt chất lượng trong xã hội thì không chỉ kiểm soát chất lượng mà phải gắn với các biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về việc sử dụng mũ đạt chất lượng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng. Cũng cần nhấn mạnh rằng các vấn đề liên quan đến mũ bảo hiểm kém chất lượng không thể được giải quyết chỉ bởi nghị định này mà cần biện pháp tổng thể với sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau.

“Do đó, không thể vì các biện pháp khác chưa đạt hiệu quả mà thắt chặt việc sản xuất, phân phối mũ bảo hiểm. Điều này có thể dẫn đến khả năng gia nhập thị trường kinh doanh mũ bảo hiểm của doanh nghiệp, nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn, từ đó dẫn đến nguy cơ gia tăng hàng giả, hàng nhái hoặc mũ bảo hiểm kém chất lượng.

Dường như dự thảo chưa có nhiều quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều điều kiện kinh doanh thiên về kiểm soát chặt chẽ quá mức cần thiết mà chưa bảo đảm tính hợp lý, minh bạch và khả thi”- VCCI nêu quan điểm.

Trước những bất cập này, Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, bãi bỏ Nghị định số 87/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

 

Nghị định 154/2018/NĐ-CP cũng sửa đổi khoản 2 Điều 42 Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ).

Theo đó, tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện: Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được phép hoạt động khi có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ (còn Nghị định 119/2010/NĐ-CP trước đó quy định tổ chức giám định sở hữu trí tuệ phải đáp ứng điều kiện: có ít nhất một giám định viên sở hữu trí tuệ; có trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc; có nguồn cơ sở dữ liệu thông tin cần thiết để thực hiện hoạt động giám định).

Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung bãi bỏ một số điều của Nghị định số 105/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ).

Theo enternews.vn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm