Hơn 200 doanh nghiệp nông thủy sản bàn kế vào Trung Quốc
Vì sao doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại hay "chết yểu"? / Doanh nghiệp thành lập mới đạt mức kỷ lục trong 5 năm qua
Hôm nay 31/5, tại thành phố Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản Lào Cai năm 2019. Tham dự Hội nghị có trên 170 doanh nghiệp đến từ 32 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 70 doanh nghiệp Trung Quốc.
Hơn 200 doanh nghiệp nông thủy sản Việt – Trung cùng gặp gỡ, trao đổi nhằm xúc tiến xuất nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản. |
Theo Ban Tổ chức, Hội nghị năm nay được tổ chức với quy mô lớn, đa dạng và có chiều sâu hơn những lần tổ chức trước, hy vọng có thể tạo ra nhiều cầu nối giữa doanh nghiệp hai bên, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ thông qua những sản phẩm mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, dễ dàng truy xuất nguồn gốc.
Hội nghị được tổ chức tại Lào Cai là bởi địa phương này sở hữu cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu, với hạ tầng hiện đại, cùng hệ thống đường sá phát triển, là “cầu nối”, “cửa ngõ” thông thương thuận lợi giữa Việt Nam với thị trường phía Tây Nam - Trung Quốc.
Trong năm 2018, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua địa bàn Lào Cai đạt 2,1 tỷ USD, riêng mặt hàng nông sản qua biên giới đạt 600 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2019, giá trị mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu qua Lào Cai tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt trên 300 triệu USD, bằng một nửa so với cả năm ngoái.
Cửa khẩu quốc tế Lào Cai – Hà Khẩu hoạt động thuận lợi cũng tạo điều kiện tốt cho mặt hàng nông sản Việt xuất tiêu thụ qua biên giới, giúp ổn thỏa đầu ra cho bà con nông dân.
Năm 2018, mặt hàng thanh long xuất qua cửa khẩu Lào Cai đạt kỷ lục gần 800.000 tấn; các mặt hàng nông sản khác như vải thiều, dưa hấu, hạt điều, hạt tiêu, sắn, cà phê, hải sản… cũng thông quan thuận lợi.
Tại hội nghị, các đại biểu doanh nghiệp đã trao đổi, chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến thị trường hai bên Việt – Trung; cơ chế chính sách trong xuất nhập khẩu của hai nước; đồng thời, tăng cường giao lưu, hợp tác và bàn giải pháp phù hợp để cùng phát triển thị trường, giao thương hàng hóa.
Ông Đàm Kiệt Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại Tam Nguyên (Vân Nam – Trung Quốc) cho biết: “Doanh nghiệp chúng tôi đã hợp tác làm ăn với phía Việt Nam đã được 20 năm rồi, chính vì thế cũng hiểu rất rõ các chính sách của Việt Nam. Tôi thấy Việt Nam hiện tại có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, phù hợp với nhiều mô hình doanh nghiệp của Trung Quốc. Tôi mong muốn doanh nghiệp hai bên có những cơ hội để tăng cường tìm hiểu, kết nối, giao lưu, thúc đẩy hợp tác”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo