Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp trong hoạt động khuyến mãi
Doanh nghiệp cơ khí "loay hoay" mở rộng thị trường / Doanh nghiệp Ấn Độ "lập kỷ lục" ký kết giao thương với các tỉnh Tây Nguyên
Kiến nghị báo cáo khuyến mại theo năm
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa đưa ra một số góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP “giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi” là “giải thưởng còn lại sau khi hết thời hạn trao thưởng”.
VCCI cho rằng, dự thảo đã bổ sung các trường hợp ngoại lệ cho trường hợp trên. Việc bổ sung trường hợp ngoại lệ trên là hợp lý. Tuy nhiên, không giới hạn về thời gian "vượt quá thời hạn quy định của khách hàng".
Điều này có thể khiến cho việc xác định “giải thưởng không có người trúng thưởng” trở nên khó khăn, vì không thể xác định chính xác là thời điểm nào.
Điều này cũng gây khó cho thương nhân khi thực hiện nghĩa vụ báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mãi và nộp vào ngân sách Nhà nước về giá trị của giải thưởng không xác định được người trúng thưởng.
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng quy định thời hạn vượt quá trong trường hợp nguyên nhân từ khách hàng trúng thưởng.
Liên quan đến báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại, Nghị định 81/2018/NĐ-CP và dự thảo đang thiết kế quy định theo hướng, sau mỗi hoạt động khuyến mại, thương nhân phải thực hiện thủ tục báo cáo kết quả thực hiện chương trình khuyến mại (tức là theo vụ việc).
Với hoạt động báo cáo này, doanh nghiệp phản ánh có nhiều vướng mắc và tạo ra những gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Theo phân tích của doanh nghiệp, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến việc trao giải có thể kéo dài hơn dự kiến.
Cụ thể, hoạt động đối chiếu số liệu, kiểm soát nội bộ bị kéo dài khi chương trình khuyến mại có số lượng giải nhiều. Chưa xác định được số khách hàng không trao giải thành công, chưa thống kê được khách hàng nhận giải liên quan đến quá trình vận chuyển. Hoặc thời gian chờ khách hàng thông báo trúng thưởng, thời gian trao phát quà thành công kéo dài.
Vì các hoạt động sau chương trình khuyến mại khá nhiều và có nhiều hoạt động phát sinh. Do vậy, yêu cầu thời hạn báo cáo 45 ngày là không kịp đối với nhiều doanh nghiệp.
Mặt khác, với doanh nghiệp có nhiều hoạt động khuyến mại, việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện báo cáo theo vụ việc sẽ phát sinh rất lớn về chi phí tuân thủ, tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Để giảm thiểu gánh nặng cho doanh nghiệp, thể hiện tinh thần cải cách thủ tục hành chính, VCCI đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng báo cáo thực hiện chương trình khuyến mại theo năm tài chính.
Nên bỏ quy định báo cáo về nộp ngân sách Nhà nước
Về việc công bố kết quả trúng thưởng, điểm a khoản 8 Điều 1 Dự thảo quy định, thời hạn công bố kết quả trúng thưởng và trao giải thưởng của chương trình không được vượt quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian thực hiện khuyến mại, trừ các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
VCCI đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm trường hợp loại trừ là do nguyên nhân từ khách hàng trúng thưởng để thống nhất với quy định tại khoản 5 Điều 13 (được sửa đổi).
Về thực hiện thu nộp ngân sách Nhà nước, Dự thảo quy định, trong vòng 10 ngày kể từ ngày nộp ngân sách Nhà nước, thương nhân có trách nhiệm gửi văn bản báo cáo (theo mẫu) cho cơ quan quản lý Nhà nước ra quyết định thu nộp.
Theo cộng đồng doanh nghiệp, việc yêu cầu thương nhân phải gửi văn bản báo cáo là không cần thiết và tạo gánh nặng về mặt thủ tục hành chính. Nếu cơ quan Nhà nước muốn biết thương nhân đã thực hiện việc nộp ngân sách Nhà nước hay chưa thì có thể yêu cầu kho bạc Nhà nước cung cấp thông tin.
“Để bảo đảm tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, cần bỏ quy định yêu cầu thương nhân phải gửi văn bản báo cáo về việc nộp ngân sách Nhà nước theo quy định tại khoản 2a, Điều 21”, VCCI kiến nghị.
Ngoài ra, để bảo đảm tinh thần cải cách thủ tục hành chính, VCCI cũng đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định về đăng khi hoạt động khuyến mại (Điều 19 Nghị định 81/2018/NĐ-CP) theo hướng hoạt động khuyến mại theo quy định tại Điều 13 Nghị định 81/2018/NĐ-CP thực hiện thủ tục thông báo khuyến mại thay vì đăng ký hoạt động khuyến mại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo