Hỗ trợ doanh nghiệp

Làm cho Lâm Đồng giàu đẹp hơn, cuộc sống người dân tốt hơn sẽ ủng hộ tối đa

DNVN – Đó là cam kết của GS.TS Trần Hồng Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trước các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong khuôn khổ diễn đàn “Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư”, vừa diễn ra tại Đà Lạt.

Lâm Đồng: TP Đà Lạt triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp / Lâm Đồng sẽ trao chứng nhận đầu tư 7 dự án, tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng

Cam kết của tân chủ tịch

GS.TS Trần Hồng Thái nguyên là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, vừa về Lâm Đồng ngồi “ghế nóng” được khoảng 2 tháng. Qua cách ông “nói vo” (không cần đọc văn bản) trước hơn 250 chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước các tiềm năng, lợi thế riêng có của Đà Lạt – Lâm Đồng, người dự khán có thể cảm nhận được phần nào tình yêu và trách nhiệm với vùng đất được xem là quê hương thứ 2 của ông.

GS.TS Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại diễn đàn.

GS.TS Trần Hồng Thái - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, phát biểu tại diễn đàn.

Theo ông Trần Hồng Thái, với địa hình đa dạng, khí hậu ôn hoà, hệ sinh thái phong phú, thắng cảnh thiên nhiên thơ mộng, đặc biệt là “lá phổi” Bidoup - Núi Bà với diện tích trên 70.000ha thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới LangBiang, Lâm Đồng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 đạt 54,37%, tiềm năng lớn để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

Không những thế, văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Lâm Đồng còn mang nhiều nét độc đáo, mà tiêu biểu là Không gian văn hóa cồng chiêng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận, tạo nên những thế mạnh riêng để Lâm Đồng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử và du lịch cộng đồng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Lâm Đồng xác định 3 trụ cột chính để phát triển nhanh và bền vững. Thứ nhất, nông nghiệp hiện đại, là trung tâm sản xuất nghiên cứu nông nghiệp thông minh, hiệu quả, nông nghiệp hữu cơ tầm quốc gia và quốc tế. Thứ hai, phát triển du lịch - dịch vụ theo hướng chất lượng cao và bền vững, trong đó TP Đà Lạt trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch canh nông và du lịch văn hóa - di sản, danh lam thắng cảnh tầm quốc gia và quốc tế.

Cuối cùng là công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.

Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng chia sẻ, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý bổ sung đột phá chiến lược cho tỉnh, đó là: “Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí”.

Hơn 250 nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự diễn đàn.

Hơn 250 nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự diễn đàn.

Hướng về phía các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự diễn đàn, ông Trần Hồng Thái khẳng định, tỉnh Lâm Đồng cam kết sẽ cải thiện mạnh mẽ và thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bền vững, bảo đảm an ninh, an toàn cho các nhà đầu tư trong khuôn khổ các quy định của pháp luật.

“Làm gì cho Lâm Đồng đẹp hơn, làm gì cho Lâm Đồng giàu hơn, người dân Lâm Đồng có cuộc sống tốt hơn, chính quyền và ngành chức năng địa phương cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa để thực hiện bằng được việc đó”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cam kết.

Gợi mở nhiều dự án thu hút đầu tư

Cũng tại diễn đàn, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình bày báo cáo đề dẫn về định hướng chiến lược các dự án thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng, hướng tới mục tiêu Net Zero 2050.

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ tại diễn đàn.

TS Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ về các dự án thu hút đầu tư của tỉnh Lâm Đồng.

Theo TS Phạm S, 4 vấn đề mang tính toàn cầu đang diễn ra, đó là: tác động của việc tăng dân số thế giới, nhu cầu nông sản tăng cao, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - kỹ thuật và tình trạng biến đổi khí hậu, đặt ra yêu cầu phải thực hiện mục tiêu Net Zero 2050. Các vấn đề này cũng đang ảnh hưởng đến Việt Nam nên không chỉ tỉnh Lâm Đồng mà cả nước đều phải chuyển đổi xanh bền vững, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, xác định tăng trưởng xanh là cách thức phát triển phù hợp với yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam.

Đối với Lâm Đồng, chiến lược phát triển đến năm 2050 của tỉnh đã đặt ra mục tiêu phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, thông minh và đáng sống. "Tỉnh Lâm Đồng đã và đang tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư 15 dự án để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên công nghệ cao, phát triển xanh", ông Phạm S thông tin.

Cụ thể đó là các dự án về chế biến nông sản, chế biến cà phê hoà tan. Với hành trình nghiên cứu độc lập sau 19 năm (2005 - 2024) của mình, TS Phạm S cũng gợi mở dự án trồng và chế biến cà phê Bourbon (nữ hoàng cà phê) tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó là dự án: bệnh viện đa khoa quốc tế, trung tâm chăm sóc sức khoẻ và dưỡng lão quốc tế, trường đại học đa cấp, khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng, làng đô thị xanh, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo.

Các đại biểu trao đổi về du lịch xanh và năng lượng tái tạo hướng tới NET-ZERO 2050, tận dụng phát huy ưu thế của Lâm Đồng

Các đại biểu trao đổi về du lịch xanh và năng lượng tái tạo hướng tới Net Zero 2050, tận dụng phát huy ưu thế của Lâm Đồng.

Dự án chống ngập úng cục bộ kết hợp mô hình quảng trường nước tại TP Đà Lạt, dự án công viên trên mái nhà các trung tâm thương mại quốc tế, dự án cảnh báo phòng chống sạt lở đất và lũ quét, dự án xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả. Đặc biệt là dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương mang tính động lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.

Diễn đàn “Cao nguyên xanh Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vững: Cơ hội cho nhà đầu tư” do UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cùng các đối tác tổ chức.

Với các báo cáo đề dẫn và 2 phiên thảo luận: Quy hoạch và định hướng chuyển đổi xanh, nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Lâm Đồng; Nguồn lực và mô hình cho phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050 - Cơ hội cho nhà đầu tư. Diễn đàn đã định hướng, gợi mở nhiều thông tin hữu ích về môi trường đầu tư kinh doanh của Lâm Đồng, những nhận định và các giải pháp, động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh bền vững.

Đây là dịp để Lâm Đồng quảng bá tiềm năng, lợi thế và những chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện, cơ hội cho nhà đầu tư khi đến đầu tư, kinh doanh tại địa phương. Đồng thời, lắng nghe và tiếp thu những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững hướng tới Net Zero 2050.

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm