Hỗ trợ doanh nghiệp

Nếu không tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ theo Nghị quyết 68 lại có nguy cơ bị "ế"

Sau hơn 2 tháng Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận với chính sách bởi những rào cản về “hoàn thành quyết toán thuế".

Mở lại đường bay nội địa: Khó nhất là mỗi địa phương áp dụng một kiểu / Cần Thơ: Giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 thấp nhất trong khu vực, chỉ đạt 22,3%

Đã gần 2 tháng làm hồ sơ gửi các cơ quan chức năng để vay vốn không lãi suất trả lương người lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên - đơn vị vận tải khách công cộng lớn nhất tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

Ông Đoàn Thế Xuyên, Giám đốc Công ty cho biết, vướng mắc vẫn là cần có "hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Hiện nay, công ty chỉ duy trì 50% phương tiện hoạt động nội tỉnh là xe buýt, còn lại các xe chở hàng, xe hợp đồng đều tạm dừng. Điều đáng nói, dù dừng hoạt động, phương tiện hư hỏng, xuống cấp, song các chi phí phương tiện như đăng kiểm, bảo hiểm vẫn phải duy trì vì thế chấp ngân hàng. Bên cạnh đó, để giữ chân người lao động, mỗi tháng đơn vị phải chi gần 2 tỷ đồng để đóng bảo hiểm xã hội và trả lương.

Tại Quảng Ninh, nhiều công ty dịch vụ, du lịch mong muốn được vay vốn trả lương cho người lao động.

Tại Quảng Ninh, nhiều công ty dịch vụ, du lịch mong muốn được vay vốn trả lương cho người lao động.

"Nhu cầu vay vốn của công ty là rất lớn vì khó khăn tích tụ nhiều ngày tháng nay mà đợt dịch thứ 4 là đợt dịch kéo dài dai dẳng, phương tiện và người lao động bị nghỉ lâu nhất. Chúng tôi mong muốn có được hỗ trợ ở mức độ tốt nhất, nhanh nhất có thể trong bối cảnh chung cả nước đang gặp khó khăn”, ông Đoàn Thế Xuyên bày tỏ.

Tại Quảng Ninh, có hàng trăm doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, du lịch, dịch vụ… có nhu cầu vay vốn trả lương phục hồi sản xuất, nhưng muốn vậy phải “không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” mới đủ điều kiện vay vốn.

"Ngân hàng chính sách tỉnh Quảng Ninh đã chủ động làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tuyên truyền về Nghị quyết 68 để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ thì lại vướng là phải có quyết toán thuế và doanh nghiệp đó không vướng vào nợ xấu. Thực tế thì nhiều doanh nghiệp rơi vào nợ xấu và ngành thuế đã bỏ quyết toán thuế nhưng Nghị quyết vẫn đưa vào. Chính vì vậy, rất mong Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ sửa đổi để doanh nghiệp được vay vốn. Nếu không làm nhanh rất có thể Nghị quyết 68 sẽ bị "ế" như gói hỗ trợ 62.000 tỷ năm 2020...", ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Công ty Phúc Xuyên đang duy trì 50% phương tiện hoạt động nội tỉnh là xe buýt, còn lại các xe chở hàng, xe hợp đồng đều tạm dừng.

Công ty Phúc Xuyên đang duy trì 50% phương tiện hoạt động nội tỉnh là xe buýt, còn lại các xe chở hàng, xe hợp đồng đều tạm dừng.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, đến nay, địa phương này có trên 10.000 doanh nghiệp có phát sinh doanh thu, thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước và đa số đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, đến cuối tháng 9, toàn tỉnh Quảng Ninh mới có khoảng 30 doanh nghiệp được vay hơn 4 tỷ đồng vốn vay trả lương ngừng việc từ gói hỗ trợ, chiếm một phần rất nhỏ trong cộng đồng doanh nghiệp của địa phương.

 

"Chúng tôi đã kiến nghị với Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội. Bộ đã tiếp nhận và chuyển kiến nghị sang Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế. Tất cả đang dồn ở cấp Trung Ướng nhưng hiện nay chưa có quyết định sửa đổi thay hay thay thế về "quyết toán thuế" nên chưa triển khai cho vay được”, ông Nguyễn Thành Tâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh cho hay.

Trao đổi vấn đề này với phóng viên VOV, Phó giáo sư Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XV nêu ý kiến: "Quy định này không thực tế, làm cho các doanh nghiệp không tiếp cận được chính sách này. Khi phát hiện cần kiến nghị để Chính phủ sửa đổi những điều kiện này. Gần đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 105, trong đó, bao hàm tất cả các chính sách, yêu cầu các bộ ngành và địa phương triển khai kế hoạch và ra các quy định cụ thể. Dựa vào cái đó, khi các bộ ngành triển khai Nghị quyết 105 thì sẽ khắc phục được những tồn đọng, bất cập như hiện nay không chỉ ở Nghị quyết 68 mà còn ở nhiều nghị quyết khác nữa".

Nghị quyết 68 là bước tiến về những hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Sau hơn 2 tháng Nghị quyết 68 của Chính phủ có hiệu lực, đã có rất nhiều đối tượng được tiếp cận, thụ hưởng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nhiều người dân, lao động mất việc bởi đại dịch COVID-19. Song vẫn còn nhóm đối tượng có nhu cầu lớn trong vay vốn trả lương ngừng việc phục hồi sản xuất vẫn từng ngày mong mỏi các chính sách sửa đổi phù hợp với thực tế để sớm có thêm nguồn lực, duy trì các hoạt động sản xuất ở trạng bình thường mới.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm