Hỗ trợ doanh nghiệp

Ngành dệt may và da giày: Cả doanh nghiệp và người lao động đều kiệt quệ

DNVN - 68,1% doanh nghiệp (DN) dệt may và da giày bị nhãn hàng phạt do giao hàng chậm. 62% người lao động (NLĐ) ngừng việc không còn bất kỳ nguồn thu nhập nào. Đây chỉ là một phần trong bức tranh đánh giá "sức khỏe" DN và NLĐ 2 ngành này trong làn sóng COVID-19.

Hai tập đoàn muốn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao tại Kon Tum / Lấy COVID-19 là động lực hoàn thiện thể chế trong điều kiện “bình thường mới”

Hơn 65% DN ngừng hoạt động

Tại Đối thoại trực tuyến "Chung sức vì sự phục hồi bền vững ngành dệt may - da giày Việt Nam", do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da - giày - túi xách Việt Nam (LEFASO) tổ chức ngày 8/10, bức tranh ngành da giày, dệt may ở góc độ DN và người lao động (NLĐ) phần nào được khái quát trong kết quả khảo sát ngành dệt may - da giày trong làn sóng COVID-19 năm 2021.

Khảo sát do VITAS, LEFASO và Nhóm hợp tác công tư (PPP) thực hiện trong tháng 9 vừa qua với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp ở hơn 20 tỉnh, thành 3 miền cùng hàng trăm công nhân và một số nhãn hàng.

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số các DN tại những khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 có tới 65,3% DN Việt Nam đã ngừng hoạt động trong tháng 9/2021, trong khi 62,7% DN FDI vẫn duy trì hoạt động ở mức tối thiểu.

"Điều này cho thấy nguồn lực của DN Việt Nam còn rất mỏng nên khó duy trì hoạt động trong thời kỳ giãn cách khi phải chịu gánh nặng chi phí khi thực hiện mô hình "3 tại chỗ" cùng nhiều chi phí phát sinh khác", bà Đỗ Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động (ERC), đại diện nhóm nghiên cứu đánh giá.

Cũng trong thời kỳ này, các DN phải áp dụng các biện pháp điều chỉnh lao động. Cụ thể, 41,% DN cho NLĐ nghỉ việc hưởng lương, 34,4% cho NLĐ nghỉ việc không lương, 15,2% DN buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ.


Doanh nghiệp và NLĐ ngành dệt may và da giày chịu nhiều tác động bởi COVID-19.

Về chi phí "3 tại chỗ", gồm phụ cấp ăn ở, xét nghiệm, bà Chi thông tin, DN phải bỏ ra 2,2 triệu đồng/người/tuần. Một nhà máy có 1.000 NLĐ thì DN mất 2,2 tỷ đồng cho chi phí này. Đây là nguyên nhân khiến nhiều DN không thể duy trì mô hình "3 tại chỗ".

Doanh nghiệp cũng không thể hoàn thành đúng tiến độ, khi có 48,8% được hỏi chậm giao hàng; 23,8% chưa biết hoàn thành hay không và khoảng 20% cho biết phải hủy. Đặc biệt, có tới 68,1% DN bị nhãn hàng phạt do giao hàng chậm. 21% nhãn hàng chủ động hủy đơn hàng và không bắt DN đền bù, 12,2% nhãn hàng hủy đơn và DN phải đền.

"Việc chậm đơn hàng khiến khách hàng hủy giữa chừng và rút đơn hàng đang sản xuất chuyển sang Trung Quốc và Indonesia. Nhãn hàng đồng ý giao hàng chậm nhưng DN phải trả chi phí xuất hàng bằng đường hàng không. Trong trường hợp DN xin lùi ngày xuất hàng, khách hàng đề nghị giảm giá 15%", bà Chi cho hay.

Trong khi đó, nếu so sánh giữa 2 ngành thì ngành da giày khó khăn hơn nhiều ngành dệt may. Cụ thể, 38,2% DN da giày đã tạm ngừng hoạt động, trong khi đó tỷ lệ với DN dệt may là 27,1%.

62% NLĐ ngừng việc không còn nguồn thu nhập

Bà Chi cho biết, khảo sát được thực hiện ở 15 tỉnh, thành phố tập trung nhiều DN dệt may và da giày (chiếm 90% sản lượng da giày và dệt may của cả nước) và phỏng vấn tất cả các nhóm lao động, từ nhóm đang lao động, nhóm đang hoạt động "3 tại chỗ" và nhóm lao động đang nghỉ việc do giãn cách...

Đối với những người đang làm việc, gần 60% NLĐ bị giảm thu nhập do bị giãn ca, làm việc không liên tục. Riêng nhóm "3 tại chỗ", thu nhập của công nhân đã tăng từ 10 - 30% do làm tăng ca tương đối nhiều, làm trên 60 giờ/tuần, làm cả thứ 7 và chủ nhật.

Đáng chú ý, 62% NLĐ ngừng việc không còn bất kỳ nguồn thu nhập nào, tức là không lương hỗ trợ từ DN, không có trợ cấp thất nghiệp... Một số nhỏ DN lớn trả lương tối thiểu cho NLĐ từ 500.000 - 3 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá của bà Chi, sức khỏe, tinh thần của NLĐ là vấn đề đáng quan tâm của báo cáo khảo sát. 34,1% NLĐ có triệu chứng căng thẳng, mất ngủ thường xuyên - đặc biệt là nhóm NLĐ mắc COVID-19. Gần 70% NLĐ có tâm lý lo lắng, bất an.

Đặc biệt, theo kết quả khảo sát, trên 60% NLĐ di cư muốn về quê hoặc đã về quê, chủ yếu trong một thời gian ngắn để phục hồi sức khỏe và cuộc sống cho bản thân và con cái bởi họ đã kiệt quệ về tâm lý, sức khỏe và kinh tế trong thời gian giãn cách.

Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy 89% NLĐ di cư và 96% NLĐ địa phương muốn tiếp tục làm ở nhà máy hiện tại.

Cơ hội, thách thức và giải pháp

Dưới góc nhìn của bà Chi, kết quả khảo sát trên cần phân tích ở góc độ cơ hội và thách thức. Cụ thể, tỷ lệ tiêm phủ ít nhất một mũi vaccine của 2 ngành khá cao (73,6%) là cơ hội nhưng thách thức là tỷ lệ phủ vaccine ở miền Bắc và miền Trung (và NLĐ về quê) có chênh lệch.

Tỷ lệ 89% NLĐ di cư mong muốn trở lại làm tại nhà máy hiện tại là điểm mạnh. Tuy nhiên, thách thức là NLĐ có thể ở lại quê một thời gian 3 - 5 tháng nếu không được hỗ trợ.

Việc các DN lớn duy trì trợ cấp cho NLĐ trong thời gian ngừng việc tạo niềm tin và gắn bó của NLĐ. Ngược lại, các DN bị hủy đơn, bị phạt, kiệt sức do chi phí bằng đường hàng không, xét nghiệm thì không trợ cấp được cho NLĐ ngừng việc, kéo theo NLĐ mất niềm tin.

Một số nhãn hàng hỗ trợ tiền xét nghiệm, chia sẻ phí chở hàng bằng hàng không để DN có thể hồi phục nhanh chóng. Nhưng 68% nhà máy chậm giao hàng, bị phạt, chịu chi phí đường hàng không nên DN kiệt sức, khó hồi phục.

Thách thức cuối cùng là các nhãn hàng dịch chuyển các đơn hàng gấp trong 5 tháng tới. Tuy nhiên, các nhãn hàng chia sẻ rằng, sự dịch chuyển đơn hàng mang tính tạm thời để bảo đảm nguồn cung ứng cho mùa mua sắm sắp tới ở Mỹ và châu Âu.

Đề xuất biện pháp hỗ trợ DN, bà Chi nhấn mạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho NLĐ, trong đó lưu ý tăng cường tiêm cho khu vực miền Bắc và miền Trung, cũng như NLĐ di cư về quê.

Trong khi đó, các nhãn hàng cần có hỗ trợ, thương lượng với hiệp hội và DN để chia sẻ chi phí vận tải, chi phí xét nghiệm và tạm ứng tiền trả lương cho NLĐ để đưa NLĐ trở lại làm việc càng sớm càng tốt.

Cơ quan quản lý nên cho phép NLĐ đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine được làm việc bình thường. Giãn nợ và cho DN vay ưu đãi để DN trả lương cho NLĐ vì thời gian thanh toán đơn hàng sẽ kéo dài.

Cũng theo bà Chi, việc hỗ trợ NLĐ và gia đình NLĐ là rất cần thiết. Theo đó, cần liên hệ thường xuyên với NLĐ để nắm tình hình và hỗ trợ ngay khi cần thiết, không nên bỏ mặc NLĐ trong 2 - 3 tháng liền. Thực hiện rốt ráo việc trợ cấp ngừng việc ngay theo Nghị quyết 68, tuy không lớn nhưng là hỗ trợ cực kỳ quý báu trong lúc NLĐ thiếu thốn.

Đặc biệt, bà Chi kiến nghị, chính quyền địa phương cần trao đổi và phối hợp để thu xếp cho NLĐ di cư về quê an toàn như bố trí phương tiện đưa đón, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, ưu tiên tiêm vaccine để NLĐ trở về nhà máy càng sớm càng tốt.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm