Nhiều khó khăn, vướng mắc lớn được doanh nghiệp gửi lên Thủ tướng
Rộng đường cho nông sản Việt sang Mỹ / TP Hồ Chí Minh: 29.000 vị trí việc làm chờ người lao động dịp Tết Nguyên đán 2024
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo tổng hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp (DN) tháng 1/2024 gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Báo cáo nêu 3 nhóm vấn đề nổi bật đang gây khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024.
Quy trình hải quan làm tăng chi phí
Theo phản ánh của các DN dịch vụ vận tải hàng quá cảnh, vẫn còn một số tồn tại liên quan đến quy trình, chính sách dẫn đến làm tăng chi phí, thời gian, giảm lợi thế cạnh tranh của các tuyến vận tải quá cảnh của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Vướng mắc điển hình được các DN nêu ra là yêu cầu DN khai báo đầy đủ mã số hàng hóa quá cảnh theo như quy định khai báo với hàng trong danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.
Thời gian làm việc tại một số cửa khẩu theo giờ hành chính không đáp ứng được yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Kiểm tra hàng hóa quá cảnh khi thông quan bằng phương pháp thủ công vẫn chiếm tỷ lệ lớn, thời gian kiểm tra kéo dài.
Ngoài ra, tiến hành kiểm tra thực tế bằng phương pháp thủ công tại cửa khẩu xuất đi thay vì cửa khẩu nhập vào Việt Nam và xử phạt hành chính DN vận tải hàng quá cảnh vì những lỗi vi phạm về hàng hóa thuộc về chủ hàng nước ngoài…
Do vậy, các DN và Hiệp hội DN dịch vụ logistic đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính, cơ quan hải quan nghiên cứu việc tiếp nhận thông tin khai báo mã số hàng hóa quá cảnh theo thông lệ quốc tế hoặc khai báo chung là “hàng quá cảnh”. Việc làm này giúp phân biệt với hàng hóa xuất, nhập khẩu khác thay vì áp dụng theo quy trình hiện có cho hàng nhập khẩu vào trong nước.
Xây dựng cơ chế phù hợp để bố trí nhân lực, thời gian làm việc tại các cửa khẩu đáp ứng yêu cầu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Hướng tới tiếp nhận và xử lý thủ tục 24/7.
Kiểm tra thực tế hàng hóa trong thời gian làm thủ tục thông quan tuân thủ tỷ lệ rủi ro hoặc chỉ khi có dấu hiệu nghi ngờ vi phạm. Hạn chế kiểm tra thủ công, tiến tới áp dụng soi chiếu đối với công tác kiểm hóa hàng hóa quá cảnh.
Chỉ tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu nhập vào. Cơ quan hải quan không tiến hành kiểm tra hàng hóa thực tế trên đường hay tại cửa khẩu xuất đi.
Bất cập của Nghị định 132
Theo DN, sau 3 năm áp dụng, một số quy định tại Nghị định 132 của Chính phủ về giao dịch liên kết ban hành năm 2020 đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, gây khó khăn cho DN trong việc tuân thủ. Thậm chí còn khiến nhiều DN vẫn phải nộp thuế thu nhập DN dù chịu lỗ lớn trong bối cảnh COVID-19.
Các DN nêu ra hai vướng mắc lớn nhất. Thứ nhất, về bản chất các quy định về giao dịch liên kết nhằm quản lý và điều chỉnh các giao dịch giữa các DN trong cùng tập đoàn hoặc chủ sở hữu nhằm bảo đảm tính tuân thủ, tránh thất thu thuế.
Tuy nhiên, trên thực tế, có rất nhiều các đơn vị là ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ được xác định là bên liên kết của các DN và điều này không phản ánh đúng bản chất vấn đề cần quản lý.
Tại thời điểm ban hành Nghị định 132, các cơ quan chức năng đã tham khảo thông lệ ở các nước phát triển để đưa ra mức khống chế theo mức 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ (EBITDA).
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mức khống chế chi phí này hiện không còn phù hợp do nhu cầu sử dụng vốn vay lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, quy định này tạo ra rào cản tiếp cận vốn vay cho các DN trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Do đó, các DN và hiệp hội đề xuất Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định tại Nghị định 132 theo hướng điều chỉnh tăng mức khống chế chi phí lãi vay từ 30% lên mức phù hợp (không vượt quá 50%) của EBITDA. Đồng thời điều chỉnh kéo dài thời gian chuyển chi phí lãi vay: tính liên tục không quá 10 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Bất cập về quy định giải trình việc góp vốn và tăng vốn điều lệ
Theo phản ánh của một số DN đăng ký kinh doanh tại Hà Nội, trong quá trình làm thủ tục điều chỉnh đăng ký kinh doanh để tăng vốn điều lệ, DN đã tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành (Nghị định 01 ban hành năm 2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp).
Tuy vậy, DN lại nhận được hướng dẫn, yêu cầu về những thành phần hồ sơ ngoài quy định và DN khó có thể tuân thủ.
Cụ thể, ngoài thành phần hồ sơ cần có để giải trình về quá trình thay đổi vốn điều lệ hiện tại, DN còn được yêu cầu tập hợp và cung cấp đầy đủ hồ sơ để giải trình cho các lần thay đổi, điều chỉnh trước đó.
Đối với các DN mới thành lập trong khoảng thời gian 5 năm trở lại đây thì yêu cầu tập hợp các chứng từ này là khả thi. Tuy nhiên, đối với các DN thành lập lâu năm thì yêu cầu này không cần thiết, không khả thi và gây tốn kém chi phí cho DN.
Để tháo gỡ vướng mắc cho DN trong việc tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh, DN kiến nghị Bộ KH&ĐT tư ban hành hướng dẫn thực thi thống nhất tại các địa phương.
Trong đó, có xếp loại DN theo mức độ tuân thủ quy định pháp luật về đăng ký kinh doanh. Chỉ yêu cầu hồ sơ giải trình cho tất cả các lần điều chỉnh vốn điều lệ đối với các DN có dấu hiệu vi phạm.
Yêu cầu DN tập hợp, cung cấp các chứng từ có tính khả thi mà vẫn bảo đảm ý nghĩa và giá trị giải trình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo