Phát triển thị trường ngách để đa dạng mặt hàng xuất khẩu
DNVN - Trong khi nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động ứng phó với biến động của thị trường. Hoạt động xúc tiến thương mại cần phải được tăng cường, đặc biệt quan tâm tới những thị trường ngách, những mặt hàng mới phù hợp với năng lực của DN.
Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến tách cà phê / Lâm Đồng: Doanh nghiệp Lạc Dương kết nối giao thương tại Yachiyo – Nhật Bản
Xuất siêu kỷ lục
Tại hội nghị giao ban xúc tiến thương mại (XTTM) với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10/2022 do Cục XTTM (Bộ Công Thương) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức chiều 31/10 tại Hà Nội, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM cho biết, tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng năm 2022 tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu đạt mức kỷ lục 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD. Riêng xuất khẩu lương thực đạt 45 tỷ USD, trong đó có trên 6 triệu tấn gạo.
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM, xuất siêu 10 tháng năm 2022 đạt mức kỷ lục (9,4 tỷ USD).
Nhiều chuyên gia quốc tế đều nhận định Việt Nam duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu đáng khích lệ trong bối cảnh ngoại thương Việt Nam vượt qua nhiều thách thức khi thế giới có nhiều biến động.
Tuy vậy, trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch xuất nhập khẩu nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.
Các hoạt động XTTM cần phải được tăng cường, đặc biệt quan tâm tới những thị trường ngách, những mặt hàng mới phù hợp với năng lực, sở trường của các DN Việt Nam. Cục XTTM mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các đề xuất từ hiệp hội, doanh nghiệp, ngành hàng để cùng đẩy mạnh XTTM, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phấn đấu thặng dư thương mại bền vững.
Cần khai thác thế mạnh đặc sản vùng miền
Tại sự kiện, đại diện nhiều thương vụ, chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Maroc, Ả Rập Xê Út, Philippines đã thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây có thể tác động đến thương mại Việt Nam.
Trong đó, ông Đỗ Ngọc Hưng -Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tiếp tục tăng thời gian qua, dẫn đến thặng dư thương mại lớn với Mỹ. Cụ thể 9 tháng năm 2022 thặng dư thương mại với Mỹ đạt 74 tỷ USD, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mexico.
Tuy nhiên, việc tăng trưởng thương mại trung bình 20%/năm dẫn đến một số mặt hàng đểu có thể trở thành đối tượng bị điều tra phòng vệ thương mại, như các vụ việc gần đây gồm: mật ong, gỗ dán cứng, tủ gỗ, thép ống với nhiều chủng loại hàng hoá và hình thức điều tra mới gắn với vấn đề an ninh quốc gia và thương mại trên cơ sở vận dụng nhiều đạo luật.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Mỹ phát biểu trực tuyến qua nền tảng zoom.
Trên cơ sở đó, vấn đề thảo luận kinh tế thị trường cũng được Bộ Công Thương chỉ đạo cơ quan Thương vụ tại Mỹ tiếp tục trao đổi, làm việc với các cơ quan hữu quan của Mỹ để xử lý, giải quyết, nhằm đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp, bên cạnh đó, Thương vụ cũng hỗ trợ cung cấp thông tin xác minh DN Mỹ để hỗ trợ DN Việt Nam.
Nhấn mạnh thị trường tiêu dùng tại Mỹ, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Văn phòng XTTM Việt Nam tại New York chia sẻ, trong điều kiện bình thường mới, người tiêu dùng quan tâm hơn về giá, mua sắm trực tuyến nhiều hơn; quan tâm hơn đến vệ sinh, phòng dịch. Do đó, DN Việt Nam cần thiết kế sản phẩm và bao bì sáng tạo, an toàn, tiện lợi; khai thác thương mại điện tử từ thiết kế, quảng bá, phân phối đến bán hàng; đồng thời hận trọng trong đàm phán, thực hiện giao dịch.
Đối với nhóm hàng nông sản, thực phẩm vào thị trường New York và Mỹ, DN Việt cần khai thác thế mạnh đặc sản vùng miền, lợi thế cạnh tranh; hợp tác với các hiệp hội DN, chuỗi phân phối, đầu mối nhập khẩu. Tuân thủ yêu cầu đăng ký, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc và giữ vững chất lượng. Quan tâm tới các tiêu chuẩn về lao động, môi trường và xã hội. Các DN có nhu cầu XK vào Mỹ cần đăng ký tuân thủ các quy định và hồ sơ của FDA do các công ty tư vấn của Mỹ cung cấp.
Trong khi đó, ông Phùng Văn Thành - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Philippines đánh giá, với quy mô dân số và GDP đều cao hơn Việt Nam, Philippines là thị trường rất tiềm năng nhưng các DN Việt Nam chưa quan tâm nhiều.
Điều quan trọng là xã hội Philippines khá phân hóa, hàng hóa vào Philippines không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn, chất lượng. Thị trường có thể tiêu thụ được tất cả các loại hàng hóa từ cao cấp đến bình dân. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn nhưng hoạt động sản xuất của Philippines kém phát triển. Đây là tiềm năng cho các DN Việt Nam"
"Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia nhiều hơn nữa vào thị trường này. Rất mong Bộ Công Thương tạo điều kiện cho các đoàn XTTM có thể khám phá thị trường này. Các hiệp hội, ngành hàng, DN, địa phương cần lưu tâm tới Philippines", ông Phùng Văn Thành khuyến nghị.
Cũng tại hội nghị, đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Tiền Giang cùng một số hiệp hội như: Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga... đã thảo luận về những khó khăn, thuận lợi; đồng thời đề xuất nhu cầu cần hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động XTTM, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo