Hỗ trợ doanh nghiệp

Sản lượng giảm sâu, nhiều doanh nghiệp ngành sơn, giấy thua lỗ

DNVN - Tại Tọa đàm "Kết nối giá trị hướng đến phát triển bền vững ngành sơn, giấy, cao su, nhựa" do VEAS tổ chức ngày 6/4, đại diện các hiệp hội ngành giấy, sơn và mực in đã "than phiền" về tình trạng sản lượng giảm sâu từ nửa cuối năm ngoái cho đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ, phải rời khỏi thị trường...

Chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân còn quá khắt khe / Lâm Đồng: 5 dự án được Quỹ phát triển kinh doanh của Hà Lan hỗ trợ

Nhiều doanh nghiệp thua lỗ
Bà Nguyễn Thị Lạc Huyền - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam cho biết, năm 2022 kinh tế thế giới bất ổn do ảnh hưởng bởi lạm phát, xung đột chính trị, đồng USD tăng giá, lãi suất tăng, các dự báo nguy cơ cao của suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này đã tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp sơn, mực in Việt Nam trong năm 2022.
"Đây là năm cực kỳ khó khăn với các DN trong ngành. Hầu hết sản lượng trong các lĩnh vực của ngành sơn, mực in đều có sự sụt giảm đáng kể. Ước tính sản lượng của ngành sụt giảm 20 - 30% so với năm 2021. Trong đó, sơn gỗ giảm sâu tới 45 - 50%. Đây cũng là giai đoạn nhiều công ty nhỏ bị đào thải. Một số DN đang đối diện với tình trạng hoat động chịu lỗ hoặc tạm dừng hoạt động", bà Nguyễn Thị Lạc Huyến chia sẻ.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam dự báo tình hình sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp sơn, mực in Việt Nam trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lạm phát, đồng USD tăng giá, lãi suất tăng và nguy cơ suy thoái kinh tế ở mức độ toàn cầu vẫn còn hiện hữu. Thêm vào đó, nguồn cung nguyên liệu có xu hướng, giá cả nguyên liệu có nguồn gốc từ châu Âu vẫn cao.

Các diễn giả phản ánh khó khăn của DN ngành giấy, sơn, nhựa, cao su tại tọa đàm.
Đánh giá thực trạng ngành giấy và bột giấy, ông Đặng Văn Sơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết, từ nửa cuối năm 2022, ngành giấy đã gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận lợi. Các DN trong ngành vừa trải qua một năm đầy thách thức, theo đó công suất chỉ đạt 50-60%. DN phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá thành sản phẩm không tăng. Đa số các DN phải chịu lỗ từ nửa cuối năm ngoái cho đến nay.
"Cũng giống như nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác, các DN ngành giấy đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng khi các thủ tục, điều kiện quá phức tạp. Lãi suất dù đã giảm nhưng mức vẫn ở mức cao. Không những thế, DN đi vay vốn trung và dài hạn vẫn phải mua bảo hiểm. Lãi suất giảm nhỏ giọt không đủ bù mua bảo hiểm. Ngành giấy hiện tại chưa xuất siêu được vì mỗi năm Việt Nam phải bỏ 2 tỷ USD để nhập khẩu giấy chất lượng cao", ông Đặng Văn Sơn phản ánh.
Ngoài ra, DN ngành giấy còn khó khăn về nhân lực và đào tạo nhân lực. Có những nhà máy lớn nhưng không đủ nhân lực về quản trị và khoa học - công nghệ nên phải thuê người nước ngoài, gây tốn kém.
Năm 2023 vẫn rất khó khăn
Dự báo hoạt động sản xuất và kinh doanh ngành sơn và mực in Việt Nam năm 2023, bà Nguyễn Thị Lạc Huyền cho cho rằng, trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Với thị trường sơn, sơn trang trí chưa có tín hiệu nào khởi sắc. Dự báo sản lượng sơn trang trí 6 tháng đầu năm sẽ thấp hơn sản lượng so với 6 tháng cuối năm ngoái. Sơn bột sẽ phục hồi khoảng 70% so với 2022. Sơn gỗ giảm giảm sản lượng 50%. Trong khi đó, sơn công nghiệp và bảo vệ có độ sụt giảm nhẹ, còn sơn tàu biển không có biến động nhiều. Riêng sơn cuộn sẽ duy trì được sản lượng như 2 quý cuối năm 2022 và đang có tín hiệu phục hồi.
Với ngành mực in, trong 6 tháng đầu năm dự báo không có tín hiệu nào sáng sủa.
"Chúng tôi cho rằng, năm 2023 sẽ một năm khó khăn cho ngành sơn, mực in Việt Nam bởi có quá nhiều biến số của kinh tế - xã hội trong và ngoài nước. Nguồn cung và giá nguyên liệu không thể dự đoán được. Chúng tôi khuyến cáo các nhà sản xuất sơn, mực in Việt Nam nên lưu ý đến lịch sử mua hàng của doanh nghiệp để đưa ra quyết định thích hợp", bà Nguyễn Thị Lạc Huyền chia sẻ.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam Đặng Văn Sơn hi vọng các dự án sản xuất giấy trong nước tiếp tục gia tăng trong năm. Ngành cũng sẽ có những đổi mới về công nghệ và môi trường để thích ứng với thị trường.
Ông Đặng Văn Sơn kiến nghị, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách thiết thực hơn cho ngành giấy - ngành phụ trợ cho rất nhiều ngành xuất khẩu khác.
"Chúng tôi đã cố gắng thông tin đến cơ quan quản lý Nhà nước giảm lãi suất cho vay để DN có vốn lưu động duy trì sản xuất, vượt qua giai đoạn khó khăn của năm nay. Hi vọng năm nay là năm đáy của khó khăn với các DN", ông Đặng Văn Sơn nói.
Ông Lưu Hoàng Ngọc - Phó cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đánh giá, bối cảnh kinh tế thế giới hậu COVID-19 đã khiến nhiều DN sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn về đơn hàng và chuỗi cung ứng. Ngoài việc gia tăng sức cạnh tranh, các DN cần đẩy mạnh kết nối trao đổi, hợp tác trong nước và quốc tế. Và Triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa diễn ra từ ngày 14-16/6 tới TP Hồ Chí Minh sẽ là cơ hội lớn của DN tìm kiếm và hợp tác về kinh doanh, mở rộng thị trường với các đối tác tiềm năng.
Được biết, triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành sơn, giấy, cao su, nhựa sẽ quy tụ hơn 230 DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng nhiều DN hàng đầu Việt Nam tham gia trưng bày với các thương hiệu lớn. Dự kiến triểm lãm sẽ đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm