Hỗ trợ doanh nghiệp

SME Trà Vinh tiếp sức doanh nghiệp trong mùa dịch COVID-19

DNVN - Dù trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, BQL Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh) vẫn duy trì các chính sách hỗ trợ tài chính và nguồn tín dụng hỗ trợ phụ nữ kinh doanh để giúp các doanh nghiệp phát triển.

Gói 26.000 tỷ được giải ngân quá ít, cần thêm gói hỗ trợ mới để "cứu" doanh nghiệp / Đồng Nai: Doanh nghiệp sẵn sàng vừa sản xuất, vừa đảm bảo phòng dịch

Ông Lâm Hữu Phúc- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Dự án SME Trà Vinh cho biết, năm 2020, Dự án đã chuyển 1,7 tỷ đồng thông qua Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển để vận hành nguồn vốn tín dụng cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Đến nay, Dự án đã giải ngân gần 1 tỷ đồng hỗ trợ cho 10 hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ.



SME Trà Vinh ký kết hỗ trợ các Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển.

Năm 2021, Dự án đã tư vấn cho 12 doanh nghiệp (DN) và tiếp nhận 4 hồ sơ tham gia chương trình. Dựa trên kết quả đánh giá ban đầu, có 1 DN đang được hướng dẫn xây dựng đề xuất kinh doanh chi tiết, 1 DN đã được Hội đồng thẩm định thông qua. Đến nay DN này đang được hỗ trợ các thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư các hạng mục mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất với tổng kinh phí 280 triệu đồng, trong đó DN đối ứng 143 triệu đồng. Chương trình hỗ trợ sẽ tiếp tục kêu gọi đề xuất đến cuối năm 2021 để tiếp nhận hồ sơ những DN mong muốn tham gia.

Bên cạnh đó, Vườn ươm DN tỉnh Trà Vinh do Dự án tài trợ đã vận hành hiện hoạt động đào tạo, tập huấn hàng tháng cho các đối tượng khởi nghiệp qua hình thức trực tuyến. Các lớp đào tạo trực tuyến qua zoom của Vườn ươm hiện thu hút khoảng 40 học viên/lớp và nhận được phản hồi tích cực từ học viên. Việc cập nhật cơ sở dữ liệu cho các đối tượng khởi nghiệp đang thực hiện.

Mặc dù thời gian thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến triển khai các hoạt động của Dự án, nhưng Dự án đã có biện pháp khắc phục và chuyển sang hình thức trực tuyến để bảo đảm tiến độ. Đến nay, các hoạt động hỗ trợ DN vẫn duy trì, không để trì trệ ảnh hưởng đến việc triển khai ý tưởng kinh doanh mới cho các DN vừa và nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Thời gian giãn cách xã hội phần lớn cán bộ dự án đang làm việc tại nhà. Tuy nhiên, các cán bộ vẫn duy trì tương tác, kết nối với các DN và đội ngũ tư vấn để liên tục hỗ trợ các DN hoàn thiện hồ sơ thủ tục khi tham gia chương trình.

Cũng theo ông Lâm Hữu Phúc, từ tháng 6- 8/2021, dự án đã giải ngân 2 tỷ đồng giúp 3 DN nhận hỗ trợ từ chương trình.

Đối với các DN mới tiếp cận chương trình hỗ trợ, Dự án đã hướng dẫn DN hoàn thiện các hồ sơ tham gia, thẩm định ý tưởng của đơn vị qua hình thức trực tuyến nhằm bảo đảm tiến độ của chương trình hỗ trợ. Tuy một số hoạt động nghiên cứu và hội thảo của Dự án tạm hoãn do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhưng Dự án vẫn cố gắng duy trì hoạt động hỗ trợ DN trong thời gian giãn cách nhằm tiếp sức các DN vừa và nhỏ, tạo đà để giúp DN vươn lên sau khi hết giãn cách.

Đến nay, Dự án đã tiến hành nghiệm thu các gói hỗ trợ cho 3 DN thuộc các ngành hàng sản xuất, chế biến sản phẩm từ dừa và hạt điều.

Các DN tiếp cận Dự án từ năm 2020 và được Dự án ký kết hợp đồng hỗ trợ tài chính để nâng cấp nhà xưởng và trang thiết bị sản xuất. Sau khi hoàn thiện các hạng mục đầu tư theo cam kết và hoàn thiện các hồ sơ thủ tục như hướng dẫn của Dự án, các DN đã tiến hành nghiệm thu và giải ngân theo quy trình hỗ trợ của Dự án.

Theo đó, Chương trình hỗ trợ DN của Dự án được triển khai từ cuối năm 2018, đến nay có 7 DN (trong đó có 6 DN do phụ nữ làm chủ, 1 DN do người dân tộc Khmer làm chủ) được hỗ trợ để nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị, mở rộng sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ gần 8,8 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ không hoàn lại của Dự án gần 4 tỷ đồng, còn lại DN đối ứng…

Mai Trâm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm