Startup khó gọi vốn vì mô hình kinh doanh không giải quyết được “nỗi đau” chung của thị trường
Thêm nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp / Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp qua talkshow truyền hình
Theo số liệu thống kê từ Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học & Công nghệ), trong năm 2021, đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mức tăng trưởng vượt bậc, đạt hơn 1,3 tỷ USD.
Trong đó, nhiều lĩnh vực đang rất nóng, thu hút sự đầu tư mạnh mẽ là công nghệ tài chính (FinTech), game, giáo dục, y tế, thương mại điện tử. Hiện đã có hơn 200 quỹ đầu tư đang hoạt động ở Việt Nam với hơn 100 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, cơ sở ươm tạo. Hệ sinh thái của Việt Nam đã có sự bứt phá và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Indonesia).
Song song với cơ hội thì các tổ chức khởi nghiệp, startup tại Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề còn tồn động cần cải thiện hay cần làm tốt hơn để thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân đầu tư trong và ngoài nước.
Với góc nhìn của một nhà đầu tư thiên thần, trong báo cáo "Toàn cảnh đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2021", bà Lê Mỹ Nga – Chuyên gia cố vấn chiến lược cho các doanh nghiệp, từ kinh nghiệm quan sát và cố vấn và đầu tư nhiều dự án tại Việt Nam đã nêu ra ba nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định đầu tư giai đoạn Thiên thần và cũng rất quan trọng trong tiến trình phát triển một dự án khởi nghiệp.
Cụ thể, thứ nhất là tạo ra một sản phẩm, mô hình kinh doanh không giải quyết được “nỗi đau” chung của thị trường, không mang tính khác biệt lớn, khó thay thế giải pháp hiện hữu, dẫn đến không đáp ứng nhu cầu thị trường ngay tức thì và khó tăng quy mô. Từ đó, doanh nghiệp rất khó gọi vốn để tăng trưởng như kỳ vọng. Cuối cùng thì dự án không đủ tài chính để tiếp tục phát triển, buộc phải dừng lại.
Thứ hai, không ứng dụng công nghệ mới hoặc có ứng dụng công nghệ nhưng chưa đủ để tạo sản phẩm đột phá, đủ khả năng đăng ký sáng chế mang tầm quốc gia và quốc tế; chưa sở hữu sản phẩm hoặc mô hình có thể kiểm soát được thị trường mới, để đối thủ cạnh tranh khó có thể bắt chước trong thời gian ngắn. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và phát triển ( R&D ) liên tục nhằm giúp sản phẩm, mô hình kinh doanh luôn kiểm soát được thị trường và phát triển bền vững trong tương lai không được chú trọng hoặc không được đề cao.
Cuối cùng là đội ngũ các nhà sáng lập dự án không đủ mạnh, không đủ năng lực lãnh đạo để có thể dẫn dắt công ty tinh gọn có thể phát triển nhanh trên thị trường. Trong khi đó, các sáng lập viên, thường là các nhân sự mạnh về năng lực công nghệ và kỹ thuật, không sẵn sàng chia sẻ cổ phần để sở hữu những nhân sự giỏi, đối tác chiến lược, bổ sung những điểm yếu mình không thể khắc phục trong thời gian ngắn; đặc biệt là khả năng quản trị và tiếp thị đúng nghĩa để có thể chiếm lĩnh thị trường nhanh nhất có thể, mà không “đốt” quá nhiều tiền, vốn rất ít ỏi từ nguồn vốn tự thân ban đầu hoặc được huy động từ gia đình, bạn bè của các sáng lập viên.
Startup tại Việt Nam hiện vẫn cần cải thiện nhiều yếu tố còn tồn đọng để có thể thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân đầu tư trong và ngoài nước.
Theo bà Nga, để tránh những sai lầm cơ bản nêu trên, các sáng lập viên nên tham gia các chương trình ươm tạo và tăng tốc chuyên nghiệp để được hướng dẫn bởi các cố vấn khởi nghiệp chính thống, tham gia các chương trình tranh tài khởi nghiệp chuyên nghiệp trong nước và quốc tế, kết nối với các chiến lược gia về công nghệ, thị trường, vận hành,… kết nối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể tiến đến các vòng gọi vốn mạo hiểm, đủ tiềm lực tài chính và nhân lực, đủ khả năng tung sản phẩm và phát triển thị trường trong thời gian ngắn.”
Có thể thấy, trong vòng 3 năm trở lại đây, bên cạnh việc đầu tư vào công nghệ tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể thì các chuyên gia vẫn có nhận định thị trường này của Việt Nam vẫn còn non trẻ so với các quốc gia cùng khu vực. Bên cạnh việc startup cần liên tục cải tiến và hoàn thiện năng lực để tăng khả năng cạnh tranh thì Hệ sinh khởi nghiệp Việt nam còn đang gặp hạn chế về khả năng tiếp cận nguồn vốn trong nước. Số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều so với số lượng ra đời của startup. Điều này dẫn đến một số khoảng trống về vốn chưa được khai thác hết.
Chính vì vậy, hệ sinh thái startup Việt Nam rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước nhằm mang lại nguồn vốn dồi dào cho sự phát triển của các công ty ở mọi giai đoạn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo