Hỗ trợ doanh nghiệp

Tập trung tháo gỡ rào cản xuất khẩu thủy sản vào thị trường Ả rập Xê út và Brazil

DNVN - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho rằng, trước mắt Cục sẽ tập trung tháo gỡ rào cản xuất khẩu thủy sản vào thị trường Ả rập Xê út và Brazil.

Thanh Hóa: Duyệt quy hoạch khu chế xuất thủy sản, dịch vụ cầu cảng và du lịch sinh thái 483 ha ở Sầm Sơn / VASEP kiến nghị cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản phục hồi sản xuất

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gần đây, nhiều thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam đã đưa ra cảnh báo về sản phẩm thủy sản xuất khẩu, đặc biệt là tôm xuất khẩu không đạt chất lượng an toàn thực thẩm.

Phía Trung Trung Quốc đã cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV), virus đốm trắng (WSSV).

Đối với thị trường Hàn Quốc, sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc sẽ được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc vẫn quy định kiểm soát dịch bệnh đối với một số sản phẩm tôm đã chế biến sâu (bóc vỏ, bỏ đầu...) mặc dù mối nguy dịch bệnh không còn tồn tại đối với dạng sản phẩm này.

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu nông sản.

Trước những rào cản trên, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã đề nghị phía Trung Quốc cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro đối với các cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đông lạnh chưa bóc vỏ, bỏ đầu.

Tiếp tục có văn bản đề nghị phía Hàn Quốc xem xét, dỡ bỏ chế độ kiểm dịch đối với sản phẩm tôm đã chế biến sâu. Đề nghị phía Úc đánh giá, công nhận cơ sở nuôi tôm đã được Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đánh giá an toàn dịch bệnh, đồng thời làm rõ các điều kiện về an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở chế biến thức ăn tôm, chế biến trong chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh hướng tới xuất khẩu tôm nguyên con của Việt Nam.

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng đã có văn bản đề nghị phía Brazil cung cấp đầy đủ các tài liệu khoa học để đưa ra yêu cầu về chứng nhận dịch bệnh đối với sản phẩm thủy sản nói chung, cá tra nói riêng đã chế biến sâu và bảo quản đông lạnh.

Từ nay đến cuối năm, Cục tập trung triển khai Chương trình giám sát dư lượng quốc gia đối với động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Theo dõi, cập nhật tình hình các lô hàng bị cảnh báo hóa chất kháng sinh để kịp thời cảnh báo doanh nghiệp và áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp.

Liên tục cập nhật, phổ biến về yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để kịp thời xử lý, tháo gỡ các vướng mắc của thị trường nhập khẩu, trước mắt tập trung tháo gỡ trong xuất khẩu thủy sản vào Arập Xê út, Brazil...

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với Cục Thú y, Tổng cục Thủy sản trong việc đánh giá, đàm phán với thị trường để giảm tối đa yêu cầu kiểm dịch, các yêu cầu kiểm dịch phải dựa trên đánh giá rủi ro, phù hợp qui định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và thông lệ quốc tế, đảm bảo lợi ích song phương.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm