Tập trung tìm đầu ra sản phẩm, hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp
DNVN - Theo Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối mặt với nhiều thách thức trong quý I, cần tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ về vốn, giảm thủ tục hành chính để gỡ khó cho DN.
An Giang: Triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền / Tìm cách lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu
Hơn 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong quý I số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt trên 56.000 DN, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Bình quân một tháng có gần 19 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, số DN rút khỏi thị trường hơn 60.000 DN, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Trong đó, đa số DN chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong quý I đạt trên 756 nghìn tỷ đồng, giảm 35,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là trên 212.000 lao động, giảm 12,8% so với cùng kỳ.
Đánh giá về tình hình DN trong quý I, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, kinh tế quý I năm nay có cả thời cơ và thách thức. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi. Và DN là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là lần đầu tiên quý I trong năm số DN rút khỏi thị trường cao hơn số DN thành lập mới.
Việc tiếp cận vốn của DN cũng là điều đáng chú ý. Vốn đăng ký bình quân 1 DN trong quý I là 9,2 tỷ đồng - đây là mức thấp nhất trong các quý I kể từ năm 2006.
Theo bà Phí Thị Hương Nga - Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), DN đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, tổng vốn đăng ký của DN thành lập mới cũng ở mức thấp nhất kể từ năm 2019 đến nay - năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Trong đó, 12/17 lĩnh vực có sự sụt giảm về vốn đăng ký. Một số lĩnh vực ghi nhận mức sụt giảm về vốn đăng ký rất lớn trong quý I như vận tải kho bãi; sản xuất, phân phối điện nước; thông tin truyền thông; tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.
Mặc dù có nhiều khó khăn thách thức, bức tranh kinh tế có nhiều nét chưa tích cực nhưng vẫn có điểm sáng có thể hi vọng trong tháng 3. Đó là số liệu DN gia nhập thị trường trong tháng 3 đạt trên 20.000 DN - tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức DN đăng ký gia nhập kỷ lục trong các tháng 3 từ trước đến nay.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng thời gian qua, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã thực thi hiệu quả chính sách bảo đảm an sinh xã hội, việc làm cho người lao động, chính sách miễn giảm một số loại thuế... cho DN.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi, DN trong quý I đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến yếu tố chủ quan, điều kiện bên ngoài cũng như tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, giá năng lượng cũng như giá hàng hóa tăng khá cao, lạm phát gia tăng, nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU một số quốc gia châu Á sụt giảm. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài khiến chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn tiếp tục đứng trước nguy cơ đứt gãy, gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ở trong nước các DN, đặc biệt là các DN chế biến chế tạo gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, nhất là khó khăn trong tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu. Số lượng cũng như sản lượng đơn hàng giảm. Một số nhóm ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thiết bị điện tử... có sự sụt giảm đơn hàng mạnh.
Bên cạnh đó, DN gặp khó khăn khi chi phi logistics và lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao. Việc tiếp cận vốn của DN trong thời gian vừa qua rất khó.
Tập trung tìm đầu ra cho sản phẩm
Với những khó khăn hiện nay Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp tập trung vào tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như hỗ trợ DN vay vốn và giảm chi phí sản xuất đầu vào cho DN.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần có sự kết nối với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để hỗ trợ DN gặp khó khăn về vốn trong quá trình phục hồi và khởi nghiệp. Rút ngắn thủ tục làm hồ sơ vay vốn để DN tiếp cận gói vay nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Cần thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh.
Về các giải pháp hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, cần duy trì chính sách hỗ trợ của năm 2023 và kéo dài thêm các chính sách giảm thuế GTGT 2% như một cách giúp DN có thêm động lực phục hồi.
Ngoài ra, cần có chính sách bình ổn giá nguyên vật liệu và giá năng lượng. Cần mở rộng, nâng tầm các cuộc gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.
Về thị trường, cần có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại và khai thác các thị trường mới. Hỗ trợ DN thực hiện các chương trình đào tạo lao động, giữ chân người lao động, đặc biệt các DN cần nhiều lao động.
Về phía DN, bà Phí Thị Hương Nga khuyến nghị cần tích cực, chủ động hơn trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tối ưu hóa chi phí và mở rộng thị trường, cũng như áp dụng các công nghệ hiện đại. Tích cực, chủ động tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương. Tích cực tham gia các hiệp hội, ngành hàng để có thể tiếp cận thông tin liên quan đến chính sách, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước...
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo