Hỗ trợ doanh nghiệp

Trung Quốc siết hàng nhập khẩu: Giải pháp nào để doanh nghiệp Việt thích ứng?

DNVN - Trung Quốc không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu cũng không ngừng được nâng cao. Do đó, tốc độ đào thải khỏi thị trường Trung Quốc là tương đối cao nếu như doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu ngày một nâng cao của thị trường.

Giá bốc xếp không hợp lý, doanh nghiệp logistics thất thu lớn / Cần giao quyền chủ động cơ cấu lại nợ cho các ngân hàng thương mại

Siết chặt quản lý hàng nhập khẩu
Tại hội nghị "Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31/3, ông Nông Đức Lai - Thám tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, theo hoạch định chính sách vĩ mô của Trung Quốc, nước này sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu trên cơ sở ổn định và nâng cao chất lượng xuất nhập khẩu.
Vì vậy, cùng với các chính sách về nâng cao kiểm soát chất lượng hàng hóa (đặc biệt là hàng nông, thủy sản và thực phẩm) không ngừng được Hải quan Trung Quốc hoàn thiện về cơ chế quản lý cũng như việc ban hành các văn bản thực thi trong những năm trở lại đây.
Thời gian qua, Hải quan Trung Quốc đã liên tục ban hành các biện pháp hạn chế, tăng cường quản lý các loại dịch lây lan trên thế giới. Theo đó, hải quan nước này đã ban hành thông báo tăng cường quản lý đối với người và hàng hóa đến từ nước và vùng lãnh thổ có dịch đậu mùa khỉ. Việt Nam hiện tại mới ghi nhận có ca mắc và chưa hình thành dịch, do đó không nằm trong nhóm bị cảnh báo.

Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt với hàng hóa nhập khẩu.
"Trung Quốc rất mạnh tay trong việc ngăn chặn các đợt dịch lây lan vào nước này với các biện pháp rất cứng rắn như cấm nhập khẩu toàn bộ nhóm hàng và tạm dừng toàn bộ tư cách xuất khẩu của doanh nghiệp đã được đăng ký với Hải quan khi xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Nông Đức Lai đánh giá.
Ngày 10/3, Hải quan Trung Quốc tiếp tục công bố “Danh mục hàng hóa sử dụng kết quả giám định tổ chức giám định” theo Lệnh 259 đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2022 Trung Quốc nhập khẩu xi măng trị giá 601,4 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 87,6% giá trị, tương đương 526,9 triệu USD.

Nhu cầu tiêu dùng phục hồi
Về hoạt động xuất nhập khẩu song phương, theo số liệu thống kê của Hải quan Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm đạt 30,3 tỷ USD, giảm 5,3%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,57 tỷ USD, giảm 4%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 18,69 tỷ USD, giảm 6,1%.
Đánh giá về cơ hội và những yếu tố thuận lợi, ông Nông Đức Lai cho biết, năm 2022 Việt Nam đã đàm phán thành công, mở cửa thị trường cho những mặt hàng nông sản có giá trị cao xuất khẩu sang Trung Quốc như: sầu riêng, chanh leo, tổ yến, khoai lang, đồng thời có hàng trăm mã số vùng trồng trái cây được phía Trung Quốc phê duyệt.
Nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc đang phục hồi dần kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và mở cửa trở lại.
Các hoạt động kết nối giao thương, khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm tại hai nước (trực tiếp) sẽ thuận lợi hơn khi Trung Quốc nới lỏng, tạo điều kiện thuận tiện trong thủ tục cấp visa, nhập cảnh cho công dân nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Chuỗi cung ứng hàng hóa được đảm bảo, do đó, hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là chuỗi cung ứng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất của ta sẽ không bị ảnh hưởng như những gì đã diễn ra tại một số thời điểm trong 3 năm vừa qua.
Tốc độ đào thải khỏi Trung Quốc tương đối cao
Tuy nhiên, theo ông Nông Đức Lai, hàng hóa của Việt Nam, nhất là hàng nông sản sẽ phải cạnh tranh với các đối tác cùng xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là nhóm mặt hàng nông sản cùng loại. Bên cạnh đó còn phải cạnh tranh với chính hàng hóa, sản phẩm được sản xuất ngay tại nội địa nước này.
"Trung Quốc không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Cùng với mức sống người dân không ngừng tăng, yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng nông sản thực phẩm nói riêng cũng không ngừng được nâng cao. Do đó, tốc độ đào thải khỏi thị trường Trung Quốc là tương đối cao nếu như DN không đáp ứng được những yêu cầu ngày một nâng cao của thị trường", ông Nông Đức Lai nhấn mạnh.
Tình trạng hàng nông sản, thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc bị cơ quan Hải quan sở tại cảnh báo về vi phạm tiêu chuẩn, quy định nhập khẩu đã ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu hàng hóa Việt Nam và tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hóa của ta.
Doanh nghiệp phải làm gì?
Trước những khó khăn và thách thức này, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh đề nghị Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Y tế và các địa phương nhất là địa phương có đường biên giới tăng cường kiểm soát dịch bệnh động, thực vật trong nước và ngăn chặn các loại dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào trong nước nhằm đảm bảo không ảnh hưởng đến các sản phẩm đã được xuất khẩu sang các thị trường cũng như công tác đàm phán mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới.
Đề nghị các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành liên quan và các tổ chức, cơ quan giám định, giám sát cấp chứng nhận hàng hóa nghiên cứu các quy định liên quan theo Lệnh 259 và các yêu cầu đối với từng loại hàng hóa xem xét, đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Với các DN, ông Nông Đức Lai khuyến nghị cần tiếp tục chú trọng và nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp về kiểm dịch an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói đối với hàng thực phẩm, nông, thủy sản theo quy định của thị trường. Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm bằng cách thay đổi bao bì phù hợp và thu hút hơn người tiêu dùng Trung Quốc.
Các DN muốn mở rộng thị trường, tận dụng dư địa của thị trường cần có sự chuẩn bị, nghiên cứu về thị trường một cách bài bản trước khi chính thức đưa hàng hóa của mình tiến vào các khu vực thị trường mới tại Trung Quốc do mỗi khu vực thị trường tại Trung Quốc có thói quen tiêu dùng, nhu cầu và thị hiếu khác nhau...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm