Hỗ trợ doanh nghiệp

Tìm cách lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu

DNVN - Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2023, Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất nhập khẩu 800 tỷ USD. Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm mới đạt 154 tỷ USD. Do đó, cần đánh giá nguyên nhân, tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022.

Giá bốc xếp không hợp lý, doanh nghiệp logistics thất thu lớn / Chưa quan tâm đến doanh nghiệp trong nước- không thể củng cố nội lực

Quý I xuất nhập khẩu chỉ đạt 154 tỷ USD
Tại Hội nghị "Giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023" sáng 31/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, bước vào 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt.
Sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Thụy sỹ đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây, trong nước có một số ngân hàng hoạt động rất khó khăn, được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố nên gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp (DN).
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam quý I/2023 chậm lại, hoạt động ngoại thương bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu khai mạc hội nghị.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 751, tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
“Năm nay chúng ta phấn đấu tăng trưởng 8-12% kim ngạch xuất nhập khẩu, đạt ngưỡng khoảng 800 tỷ USD. 3 tháng đầu năm mới đạt 154 tỷ USD, cứ đà này cuối năm chỉ đạt trên dưới 600 tỷ USD, đây là khoảng cách lớn”, Bộ trưởng nêu.
Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đại biểu tham dự hội nghị phải đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022.
Chiến lược marketing chưa phù hợp
Trong bối cảnh kinh tế nói chung và tình hình ngoại thương rất khó khăn trong quý I/2023, hội nghị dành nhiều thời lượng cho các thương vụ cung cấp thêm thông tin tổng quát ở các thị trường, tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho bộ, Chính phủ, hỗ trợ DN tiếp cận thị trường một cách hiệu quả nhất.
Tại hội nghị, đại diện các thương vụ ở các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam từ 5 châu lục đã tập trung đánh giá hình hình thị trường sở tại, dự báo tình hình kinh tế của các nước thuộc địa bàn phụ trách của khu vực, nhất là chính sách của các nước vừa qua và phản ứng chính sách cần có của Việt Nam. Đồng thời đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương, DN và người sản xuất trong nước.
Với thị trường Trung Quốc, ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh nhấn mạnh đến việc Trung Quốc không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng hàng hóa nhập khẩu cũng không ngừng được nâng cao. Do đó, tốc độ đào thải khỏi thị trường Trung Quốc là tương đối cao nếu như DN không đáp ứng được những yêu cầu ngày một nâng cao của thị trường;

Hội nghị dành nhiều thời gian cho các thương vụ nêu tình hình thị trường sở tại và đưa ra các khuyến nghị cho DN.
Trong khi đó, về xu hướng tiêu dùng mới, ngành sản xuất thực phẩm chế biến sẵn phát triển nhanh. Quốc vụ viện Trung Quốc đã đưa “ngành sản xuất thực phẩm chế biến sẵn” vào Chỉ thị số 01 của Trung ương. Đây là ngành hàng tiềm năng, phát triển nhanh và là xu hướng tiêu dùng mới tại thị trường Trung Quốc những năm tới đây, nhất là các gia đình trẻ trong xã hội công nghiệp.
Nêu lý do chưa nhiều DN Việt Nam thành công tại thị trường Anh, ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh chia sẻ, nguyên nhân chủ yếu là chiến lược và phương pháp marketing các DN chưa phù hợp với thị trường Anh cả về công nghệ, thiết kế hình ảnh và ngôn ngữ. Theo đó, nhiều DN Việt Nam để lỡ cơ hội bán hàng hay thiết lập quan hệ bạn hàng với các DN Anh vì không biết làm marketing.
"Cụ thể, các DN không có trang web hoặc không có thông tin hữu ích, dễ tìm, dễ hiểu, không có hình ảnh bắt mắt, tên DN quá dài, khó nhớ, khó phát âm với người Anh nên ít có cơ hội xuất hiện trên kết quả tìm kiếm của các nhà nhập khẩu. Doanh nghiệp sử dụng địa chỉ email miễn phí, không có tên miền nên bị đánh giá có tín nhiệm thấp và rất ít hi vọng nhận được phản hồi từ các nhà nhập khẩu Anh. Đây là lý do khiến thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh đều chưa tới 1% cho mỗi ngành hàng", ông Nguyễn Cảnh Cường nêu.
Ông Cường đề nghị Cục XTTM và các sở công thương tài trợ cho các DN thực hiện các dự án digital marketing chuyên nghiệp với sự tham gia của các chuyên gia hiểu rõ về thị trường Anh và văn hóa kinh doanh của người Anh. Còn bản thân các DN cần ứng dụng CNTT có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích thị trường nhanh hơn và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm