Thể chế vẫn là 'nút thắt' lớn, doanh nghiệp mong được gỡ vướng thực chất
Bình Định: 'Xanh hoá' các khu, cụm công nghiệp để phát triển bền vững / Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm kim loại
Tại diễn đàn doanh nghiệp (DN) 2025 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chiều ngày 17/4 tại Hà Nội, vấn đề tháo gỡ vướng mắc về thể chế được nhiều đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia cũng như DN, hiệp hội ngành hàng đề cập.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, năm 2025 được xem là năm cơ hội đặc biệt cho các DN xây dựng với việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công và khi đầu tư công lớn nếu DN nội được chọn làm. Dù vậy, vướng mắc hiện nay của các nhà thầu liên quan chủ yếu đến Luật Đấu thầu.
“Thực tế, bản thân DN của chúng tôi có một dự án liên danh để tham gia đấu thầu tại một tỉnh vùng núi, khi trúng thầu, một trong 2 nhà thầu tham gia rút lui, dẫn tới địa phương không đồng ý… Sau 8 tháng, dù đã thông tin để tìm hướng tháo gỡ đến các cơ quan liên quan nhưng đến nay DN chưa được tháo gỡ”, ông Hiệp phản ánh.
Theo Chủ tịch VACC, nếu các văn bản chính sách có được sự minh bạch, rõ ràng thay vì hiểu thế nào cũng được, thì DN sẽ không rơi vào tình trạng trên. Do đó, trong thời gian tới, quá trình sửa Luật Đấu thầu cần lắng nghe ý kiến của các nhà thầu để bảo đảm phù hợp thực tế. Cần nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật, rà soát chất lượng văn bản để tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Ngoài ra, trong một số hoạt động liên quan đến các DN thực hiện các gói thầu bất động sản, một số thủ tục vẫn còn tương đối kéo dài, chưa được cắt giảm, một số thủ tục vẫn cần đến 5-6 con dấu.
“Tôi cho rằng, thay vì để hiện trạng này kéo dài thì nên cắt giảm để các thủ tục chỉ cần một con dấu, khi đó hoạt động của DN, cũng như môi trường kinh doanh sẽ được tạo thuận lợi một cách thực chất”, ông Hiệp đề xuất.
Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) phản ánh, các DN thành viên gặp nhiều vướng mắc về chính sách và thủ tục hành chính. Thủ tục còn rườm rà, chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các địa phương, gây tốn thời gian và chi phí cho DN. Nhiều chính sách ưu đãi cũng thiếu nguồn lực cụ thể, mang tính ngắn hạn, thông tin chưa kịp thời và đầy đủ.
Ông Quốc Anh kiến nghị tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng cổng “một cửa”, minh bạch hóa quy trình và thống nhất đầu mối xử lý. Đồng thời, cần bảo đảm chính sách ổn định, nhất quán và có thể dự báo, đặc biệt trong các lĩnh vực thuế, phí, bảo hiểm xã hội... Bên cạnh đó, nên thiết lập cơ chế đối thoại thường niên giữa các bộ, ngành với DN để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Chia sẻ trước những khó khăn của cộng đồng DN, ông Phan Đức Hiếu - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Ủy ban kinh tế và tài chính của Quốc hội cho rằng, cho biết, DN phải cõng trên lưng nhiều thông tư, luật và nghị định.
"Thể chế là công cụ duy nhất và cần thiết thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Tuy nhiên, nếu thể chế không tốt có nguy cơ gây ra 5 tác động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, bao gồm chi phí thủ tục hành chính, phí - lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức", ông Hiếu nêu.

Muốn cải cách thể chế cần phải thực hiện ngay 3 việc. Bao gồm nâng cao chất lượng quy định hiện hành - yêu cầu cấp thiết và quan trọng; nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật theo đúng tinh thần của các bộ luật; phải bảo đảm tính thống nhất và chất lượng các quy định pháp luật được ban hành mới.
Cũng theo ông Hiếu, dư địa và cơ hội để cải cách thể chế là rất lớn bởi động vào vấn đề nào cũng thấy cần được cải cách. Nếu cải cách chỉ dừng lại ở cải thiện môi trường kinh doanh thì không hiệu quả, mà cần phải đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đột phá cả về tư duy và biện pháp triển khai. Cải cách rất khó khăn nếu chỉ xuất phát từ chính các cơ quan thực thi pháp luật.
Ông Hiếu kiến nghị ưu tiên bãi bỏ các quy định, văn bản, nghị định không còn phù hợp thay vì sửa đổi. Về lâu dài cần 1 cơ chế bền vững hướng đến việc cải cách thể chế trở thành văn hóa lập pháp, hệ thống, không còn phụ thuộc vào cá nhân, tổ chức nào.
Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên môn giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế có thẩm quyền.
Bà Trần Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược (Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) cũng đồng tình việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, pháp luật, môi trường kinh doanh.
"Một khi chưa có thể chế tốt, thủ tục còn rườm rà, cán bộ thực thực thi công vụ còn chưa công tâm với DN thì chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu thúc đẩy DN phát triển, nâng cao năng lực canh tranh của DN. Đây là vấn đề cốt lõi. Nếu thể chế tốt nhưng triển khai trên mặt bằng thực sự còn nhiều chồng chéo, phức tạp thì tác động tốt của thế chế sẽ giảm đi", Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược chia sẻ.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, để có thể bứt phá vào năm 2025, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ DN sẽ là những chìa khóa then chốt. Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất

Herbalife Việt Nam lọt Top 50 doanh nghiệp tại giải thưởng Rồng Vàng 2025
BIOTED: Giải pháp phân bón lá hiệu quả cho nông nghiệp bền vững
18 năm kiến tạo giải pháp giám sát hành trình toàn diện
Đề xuất chính sách tài chính ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu
VINASME tôn vinh 40 doanh nghiệp tiêu biểu về đổi mới sáng tạo