Thị trường lao động phục hồi chậm, doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng mới
DNVN - Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới xấu đi, quý IV/2022 lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, thị trường lao động phục hồi chậm dần, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, buộc phải cắt giảm nhân công...
Kết nối doanh nghiệp du lịch Đà Lạt và Chuncheon - Hàn Quốc / Khánh thành tòa nhà văn phòng 50 tỷ đồng tại Cần Thơ
Đánh giá chung về tình hình lao động, việc làm quý IV năm 2022, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, thị trường lao động quý IV/2022 tiếp tục phục hồi nhưng đã chậm dần. Lực lượng lao động và số người có việc làm quý IV tiếp tục tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động vẫn tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV/2022 so với quý trước và cùng kỳ năm trước đều giảm. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy đã có sự chậm dần trong tiến trình phục hồi của thị trường lao động.
Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý IV cao hơn so với quý trước nhưng tính chung cả năm 2022 vẫn tốt hơn năm 2021.
Đã có những tín hiệu cho thấy, thị trường lao động phục hồi chậm dần.
Theo ông Phạm Hoài Nam, thông thường, những tháng cuối năm thị trường lao động sôi động do các DN tăng cường nhân lực để nâng cao năng suất lao động nhằm đảm bảo tiến độ hoàn thành đơn hàng, hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh phục vụ những dịp như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán... Nhiều DN tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Do đó, các DN tuyển dụng thêm lao động ở thời điểm này để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh cuối năm. Năm 2019 - trước khi có dịch COVID-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người - tương đương tăng gần 1%.
Tuy nhiên, quý IV/2022 lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm do tình hình kinh thế giới xấu đi bởi lạm phát tăng cao, giá nguyên vật liệu tăng nên các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu hạn chế chi tiêu. Từ đó họ cắt giảm các đơn hàng mua sắm vào dịp cuối năm. Cùng với đó, lãi suất và tỉ giá tăng vọt khiến các DN gặp nhiều khó khăn, buộc phải cắt giảm lao động. Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV chỉ còn 0,5%.
Trước biến động của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, những tháng cuối năm 2022 một số DN, đặc biệt là DN dệt may, da giày, chế biến gỗ... gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh khi bị cắt giảm đơn hàng, từ đó buộc phải cắt giảm lao động, gây ảnh hưởng đến đời sống của người lao động (NLĐ).
Theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố, có khoảng hơn 600.000 lao động bị ảnh hưởng bởi cắt giảm lao động, việc làm. Khoảng 4% tổng số lao động trong các DN, trong đó có các DN cung cấp việc làm cho hơn 55.000 người - chiếm 84% số người bị ảnh hưởng.
Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê).
Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV/2022 có xu hướng tăng lên so với quý trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV là 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước, tuy nhiên vẫn giảm 520.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với trước và giảm 2,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động quý IV/2022 khoảng 6,8 triệu đồng - tăng 95.000 đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.
Quý III/2022 thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ. Thu nhập bình quân của NLĐ tăng, được cải thiện từ quý I - III/2022. Đến quý IV thu nhập bình quân của NLĐ tiếp tục tăng so với quý trước nhưng tốc độ tăng chậm lại so với quý trước.
Trước tình hình đó, ngày 16/12/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện 1170 về ổn định và phát triển thị trường lao động trong thời gian tới.
Theo đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước và địa phương, bộ, ngành phải hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường và sẵn sàng hỗ trợ DN ký kết các hợp đồng mới ngay đầu năm nay để giải quyết tình trạng thiếu hụt việc làm.
Đối với NLĐ, tiếp tục có những kiến nghị về việc phải tiếp tục sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ trong những lúc khó khăn chờ việc.
Ngoài ra, Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu hỗ trợ các chính sách đối với NLĐ trong thời gian chờ việc. Ví dụ hỗ trợ về nhà ở. Đây là một trong những chính sách rất hiệu quả trong thời gian cuối năm 2021 - đầu năm 2022.
"Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn khó khăn trong năm 2023, theo đó ảnh hưởng đến thị trường lao động trong quý I, thậm chí sang quý II/2023. Do đó, cần có sự nghiên cứu về thị trường lao động và chính sách hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là những chính sách theo công điện 1170 vừa được Thủ Chính phủ ban hành.
Một trong những khuyến nghị quan trọng khác là cần tăng cường chất lượng lao động để đáp ứng nhu cầu, tận dụng cơ hội của thị trường...", Vụ trưởng Vụ Dân số và Lao động khuyến nghị.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo