Hỗ trợ doanh nghiệp

Thiếu nguyên liệu, hàng tồn không bán được, doanh nghiệp chồng chất khó khăn

Thiếu nguyên liệu sản xuất, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được… là những vấn đề khó khăn mà các DN ở Thanh Hóa gặp phải do dịch Covid-19.

Doanh nghiệp chế biến điều cần thận trọng khi mua điều nguyên liệu / Kỳ vọng doanh nghiệp thoát thế khó

Việc đưa ra những giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, một mặt đảm bảo phát triển doanh nghiệp, mặt khác giúp kinh tế tỉnh Thanh Hóa ổn định, vượt qua khó khăn.

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thời gian qua các đối tác cung cấp nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị chậm, dẫn đến thiếu hụt về nguồn cung, ảnh hưởng đến tiến độ của nhiều đơn hàng cũng như công việc hàng nghìn lao động. Nhiều doanh nghiệp không xuất bán được hàng đã phải chuyển đổi mô hình sản xuất tạm thời.

doanh nghiep gap kho truoc tinh hinh dich covid-19 phuc tap hinh 1
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. (Ảnh minh họa/KT)

Bà Nguyễn Thị Tình, Giám đốc Công ty TNHH và Thương mại Tình Cầm và Ông Nguyễn Trung Hải, Giám đốc Công ty may Trường Phát khẳng định: "Bình thường thì doanh nghiệp cũng gối đầu từ 8 đến 10 công hàng thì nay đã lên đến 60 công hàng và rất khó khăn về đồng vốn huy động. Qua sự cố khó khăn này, doanh nghiệp rất mong muốn được ngân hàng giảm lãi suất để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp".

Cũng theo bà Tình: "Chúng tôi mong được cơ quan bảo hiểm cho nợ bảo hiểm 1-3 tháng vẫn đúng theo quy định, rồi tiền thuế, tiền lãi ngân hàng… chúng tôi mong muốn cơ quan ban ngành có phương pháp, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp".

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc, giày da, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Thế nhưng, hầu hết các doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên phụ liệu từ các đối tác Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp đã phải sản xuất cầm chừng, cho người lao động làm việc luân phiên.

Trước khó khăn, thách thức này, Hiệp hội dệt may Thanh Hóa đã lên phương án, xây dựng kịch bản dự phòng, chủ động tìm nguồn cung thay thế từ Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Bangladesh, Brazil… nhưng có chi phí cao hơn hoặc đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng mà Việt Nam có thể chủ động được về nguyên liệu.

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, dự báo, giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ giảm từ 60 - 80 triệu USD và còn phụ thuộc vào thời gian dịch bệnh được khống chế.

 

"Thiếu nguyên liệu của các nhà máy may, dày tương đối lớn, có một vài doanh nghiệp thời gian làm việc giảm và cầm chừng vì vậy việc thiếu nguyên liệu trong tháng 3 là rất rõ. Vì vậy, giải pháp nhập nguyên liệu cho các nhà máy là ngành Hải quan và các ngành cần tính đến để đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động ổn định" - ông Hiệp cho biết.

Nếu như các ngành nghề may, da dày… đang đối mặt với việc thiếu nguyên liệu, sản xuất cầm chừng thì các mặt hàng nông, lâm, thủy sản bị tồn đọng, dồn ứ, hàng loạt doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc thiếu việc làm. Nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục kéo dài, thì nhiều doanh nghiệp tại Thanh Hóa có đối tác là khách hàng Trung Quốc, Đài Loan đều có nguy cơ đóng cửa tạm thời vì thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào và đơn hàng sản xuất.

Ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Thanh Hóa cho biết, đơn vị này đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Thanh Hóa về đề xuất có giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay

Ông Hiệu cho biết: "Tập trung rà soát tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đầu tư; giản thời gian nộp thuế, giảm tiền thuê đất… đặc biệt lĩnh vực với những doanh nghiệp nhiều lao động cần chậm thời gian nộp bảo hiểm của người lao động. Đối với những doanh nghiệp cả nghìn lao động thì chậm 1 đến 2 tháng là cả một vấn đề trong khi hàng sản xuất ra không bán được, mà công nhân vẫn cần phải có bài sách để duy trì".

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc gỡ khó cho doanh nghiệp. Được biết, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thanh Hóa đã thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho 8.330 khách hàng, với dư nợ trên 39.400 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 70 khách hàng, với dư nợ 585 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho trên 1.200 khách hàng khó khăn, với số tiền 82 tỷ đồng.

 

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thanh Hóa lưu ý, các tổ chức tín dụng phải xây dựng những tiêu chí cụ thể xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch CoVid-19; quy chế đánh giá với các khoản nợ để thống nhất trên toàn hệ thống cách thức hỗ trợ doanh nghiệp, hạn chế những trường hợp lợi dụng chính sách làm sai lệch chất lượng tín dụng./.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm