Thủ tướng: Phải ưu tiên đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào chương trình nghị sự
(DNVN) - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ năm 2018 tổ chức sáng 04/12 tại Hà Nội,Thủ tướng đề nghị bộ, ngành, địa phương đưa các quan tâm của doanh nghiệp vào các chương trình nghị sự, vấn đề của doanh nghiệp lên trang đầu trong sổ tay điều hành của lãnh đạo.
Hà Nội khuyến khích thành lập doanh nghiệp / Cách doanh nghiệp phân bổ thu nhập của NLĐ năm 2019 để giảm tiền đóng BHXH
Khẳng định sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh, môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp (DN) lớn, có tầm cỡ và khả năng cạnh tranh, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn VBF. (Ảnh: VGP)
Để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên. Trước hết là nỗ lực của chính các DN Việt Nam, bên cạnh đó, là sự hợp tác và chia sẻ cơ hội của các DN FDI. Ngoài ra, là thúc đẩy vai trò kiến tạo phát triển và đồng hành của Chính phủ.
Trong xu hướng dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu, mỗi quốc gia, mỗi DN không nhất thiết phải mạnh tuyệt đối mới có thể chiến thắng mà chỉ cần biết phát huy lợi thế cạnh tranh tương đối của mình, phát huy sức mạnh riêng có, tạo nên những giá trị khác biệt thì hoàn toàn có thể chiến thắng.
Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về cơ cấu, nâng cao chất lượng thể chế và năng lực quản trị nhà nước (cả cấp trung ương và địa phương), cải cách DN Nhà nước, hệ thống tài chính, xử lý nợ xấu, quản lý nợ công,… Nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp tất cả ý kiến tại diễn đàn, báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp thu, sửa đổi thể chế hay lưu ý những vấn đề trong điều hành.
Tại diễn đàn, các nhà đầu tư nêu lên những vấn đề quan tâm về cơ chế chính sách thuế, hải quan, ngân hàng, thị trường chứng khoán, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác công-tư, tận dụng cơ hội của hợp tác thương mại...
Ông Kyle Kelhofer - Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IFC) phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào, cho rằng, trong bối cảnh các nền kinh tế đang hướng đến kết nối thương mại và đầu tư mạnh mẽ, thì Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn.
Thế giới thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là các vấn đề thương mại, vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam. Cơ hội thấy rõ là các quốc gia trên thế giới đang tăng cường các quan hệ thương mại để đảm bảo các hỗ trợ các nền kinh tế của họ.
Trong khi đó, ông Tony Foster - Trưởng nhóm cơ sở hạ tầng đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quy định tạo thuận lợi cho hợp tác công-tư, song vẫn còn một số khó khăn cần tháo gỡ.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Trương - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, Dự thảo Luật về hợp tác công-tư sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 tới, và nếu được chấp thuận thì sẽ được thông qua vào kỳ họp thứ 8.
Luật hợp tác công-tư là luật phức tạp liên quan đến nhiều quy định về áp dụng các cơ chế bảo đảm, bảo lãnh, các cam kết của Chính phủ trong phân chia các rủi ro. Do đó, cần có các dự án thực tiễn để có kinh nghiệm và chuyển hóa vào các quy định của Luật, nhằm xây dựng Luật có tính khả thi cao.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu, cộng đồng DN đánh giá cao nỗ lực cải cách của Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là ở 2 điểm sáng nhất: Chương trình cải cách hành chính, cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành cùng những nỗ lực bước đầu trong việc xây dựng Chính phủ điện tử và nền kinh tế số.
Tại diễn đàn, 70 nhóm vấn đề đã được các hiệp hội, nhóm công tác của diễn đàn gửi tới các bộ, ngành như Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính...
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo