Thừa Thiên Huế công bố đề án “Cố đô Khởi nghiệp”
Thừa Thiên Huế: Phấn đấu 100% DN nhỏ và vừa đủ điều kiện nhận được ưu đãi / Thừa Thiên Huế kêu gọi đầu tư sân golf quốc tế hơn 550 tỷ đồng tại Phú Lộc
Ngày 24/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Diễn đàn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), công bố đề án “Cố đô Khởi nghiệp” và phát động cuộc thi KNĐMST của tỉnh năm 2020.
Theo Ban tổ chức, thời gian qua, việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái KNĐMST của tỉnh Thừa Thiên Huế đã bước đầu hình thành và phát triển, các cơ quan, tổ chức đã quan tâm hưởng ứng, phối hợp tổ chức các hoạt động hỗ trợ KNĐMST.
Diễn đàn KNĐMST Thừa Thiên Huế năm 2020 là dịp để các tổ chức, doanh nghiệp, các chuyên gia về khởi nghiệp cùng các cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi, hiến kế cho sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Đồng thời, thảo luận, trao đổi các nội dung, giải pháp liên quan đến hỗ trợ các ý tưởng, dự án KNĐMST có tiềm năng phát triển trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ phát biểu tại diễn đàn.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ biểu dương những nỗ lực của ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Đại học Huế, Trung tâm ĐMST tỉnh, Trung tâm KNĐMST Đại học Huế, các tổ chức tư vấn khởi nghiệp, các Startup trên địa bàn tỉnh, đã đóng góp để vun đắp thêm những thành công bước đầu của hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Tuy nhiên, ông Thọ cũng chỉ ra 5 hạn chế đang ảnh hưởng đến hoạt động KNĐMST, đó là: Tỷ trọng đóng góp của các yếu tố ĐMST trong sản xuất kinh doanh còn thấp; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa còn chung chung, khó tiếp cận; Sự quan tâm, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển KNĐMST của các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa nhiều; Chưa thương mại hóa hiệu quả các sáng chế, giải pháp hữu ích, kết quả nghiên cứu; Công tác tổ chức quản lý, vận hành bộ máy để xây dựng phát triển hệ sinh thái KNĐMST còn nhiều bất cập.
Theo ông Thọ, hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp không phải là việc của riêng một cá nhân, một đơn vị, mà đòi hỏi sự vào cuộc của rất nhiều bên liên quan, đó là các đơn vị làm chính sách, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các đơn vị cung ứng nguồn nhân lực, các cơ sở nghiên cứu, các đơn vị cung cấp dịch vụ, các chuyên gia cố vấn trong từng lĩnh vực, các đơn vị ươm tạo, các nhà đầu tư.
“Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các địa phương, tinh thần kết nối của các bên có liên quan là điều cốt lõi để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển mạnh và bền vững, hỗ trợ có hiệu quả cho hoạt động khởi nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ hệ sinh thái KNĐMST phát triển trong thời gian tới, tại Diễn đàn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố đề án “Cố đô Khởi nghiệp”, nhằm khơi dậy tinh thần KNĐMST trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của Đề án là tạo lập hệ sinh thái KNĐMST trên địa bàn tỉnh và cụ thể hóa cơ chế chính sách đột phá nhằm hỗ trợ và phát triển các doanh nghiệp KNĐMST sát thực tiễn, phù hợp với nguồn lực và điều kiện địa phương... với mục tiêu cụ thể như xây dựng và hoàn thiên hành lang pháp lý, phấn đấu 100% ý tưởng dự án KNĐMST được hỗ trợ chính sách từ Trung tâm KNĐMST tỉnh và Đại học Huế; phấn đấu 50 - 70% các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có khả năng thương mại hóa. Ít nhất 50% học sinh THPT và sinh viên tập huấn về kiến thức KNĐMST...
Tại diễn đàn, các chuyên gia, doanh nghiệp còn chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung hữu ích, như: Hành trình khởi nghiệp từ giá trị văn hóa vùng đất Cố đô và đề xuất một số giải pháp phát triển dự án khởi nghiệp; giải pháp đề xuất cho KNĐMST phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống; các hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đại học Huế…
End of content
Không có tin nào tiếp theo