Thực phẩm chế biến của Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản
DNVN - Hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam được cả người Nhật, cộng đồng người Việt, người dân các nước Châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. Đây là tiền đề cho thấy hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang thị trường này trong thời gian tới.
3 Hiệp hội doanh nghiệp đường thủy kiến nghị không thu phí với hàng tạm nhập - tái xuất / Tiến sĩ Phạm S: Cà phê hữu cơ Arabica Lạc Dương sẽ tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với thực phẩm chế biến: sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê… Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất, kinh doanh thực phẩm chế biến tăng cường quảng bá, tìm kiếm đối tác, kết nối các cơ hội kinh doanh và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) tổ chức “Hội nghị giao thương trực tuyến thực phẩm chế biến Việt Nam – Nhật Bản 2022” vào ngày 23-24/6.
Trong khuôn hội nghị, tại phiên toàn thể các chuyên gia sẽ trình bày cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư ngành hàng thực phẩm chế biến; thông tin về thị trường và nhu cầu của thị trường Nhật Bản đối với thực phẩm chế biến.
Hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi tại thị trường Nhật Bản.
Sau phiên toàn thể sẽ diễn ra các phiên giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản. Đây chính là cơ hội tốt để doanh nghiệp thực phẩm chế biến tìm kiếm khách hàng từ thị trường Nhật Bản.
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng thời gian qua thì thị trường Nhật Bản vẫn là điểm sáng. Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 20,1 tỷ USD, tăng 4,4%.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 9,34 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đến nay, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Do đó, giữa 2 nước có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để mở rộng hợp tác giao thương trong nhiều lĩnh vực, trong đó có thực phẩm chế biến.
Tại Nhật Bản, số lượng người dân đến từ các nước Châu Á hiện đang sinh sống và làm việc lên tới 10 triệu người, đồng thời số lượng người Việt Nam tăng rất nhanh trong những năm qua, với số liệu thống kê khoảng gần 500.000 người trong năm 2021.
Do vậy hàng thực phẩm chế biến nhập khẩu từ Việt Nam ngày càng được biết đến rộng rãi, được cả người Nhật, cộng đồng người Việt, người dân các nước Châu Á khác đón nhận và có lượng tiêu thụ tốt tại thị trường Nhật Bản. Đây là những tiền đề cho thấy hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu hơn nữa sang Nhật Bản trong thời gian tới.
Thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020.
Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt, như cà phê tăng 25,5%, hàng rau quả tăng 20%, hạt điều tăng 39%, hạt tiêu tăng 56%...
Một số mặt hàng trái cây Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường, như thanh long, xoài, dừa, vải... Bên cạnh đó, các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng xuất hiện phổ biến với đa dạng chủng loại trên các kệ hàng của các chuỗi siêu thị lớn tại Nhật Bản.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo