Hỗ trợ doanh nghiệp

Vĩnh Long: Nâng tầm sản phẩm OCOP để doanh nghiệp phát triển bền vững

DNVN - Với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu và văn hóa truyền thống, sản phẩm OCOP Vĩnh Long ngày càng khẳng định thương hiệu, được thị trường đón nhận. Tuy nhiên, sự phát triển của sản phẩm OCOP còn gặp khó khăn do quy mô sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực quản lý còn hạn chế.

Vĩnh Long hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh / Vĩnh Long: 30.000 tấn khoai lang Nhật chưa tiêu thụ được, nông dân có nguy cơ trắng tay

Thế mạnh của sản phẩm OCOP của Vĩnh Long

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Vĩnh Long, Chương trình OCOP đã tạo một kênh riêng cho các sản phẩm tìm kiếm, mở rộng thị trường và nâng cao kỹ năng trong sản xuất và kinh doanh. Các sản phẩm OCOP qua đó mà nâng cao giá trị, đáp ứng được với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đặc biệt là các sản phẩm đã qua chế biến, sản phẩm khởi nghiệp. Từ đó giúp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp (DN) chào hàng, tìm kiếm thị trường và khẳng định thế mạnh thương hiệu.

“Thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP luôn được rộng mở và sự quan tâm, đón nhận của người tiêu dùng khắp nơi. Việt Nam cũng đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, đây là những điều kiện, cơ hội tốt sản phẩm để OCOP tiếp tục phát triển phát triển”- Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long cho biết.

Sản phẩm OCOP Vĩnh Long ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường (Ảnh: T.L)

Sản phẩm OCOP Vĩnh Long ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường. (Ảnh: T.L)

Trong thời gian qua, các sản phẩm nông nghiệp của Vĩnh Long đã hình thành những chuỗi giá trị nông sản. Đối với các loại cây trồng chủ lực, các sản phẩm chế biến được xây dựng và phát triển hơn các sản phẩm khác qua dự án, thông qua các bước thực hiện mô hình, chuyển giao kỹ thuật, khuyến khích nông dân chuyển đổi giống cây trồng chất lượng, có giá trị kinh tế cao, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng sản xuất an toàn và chất lượng.
Mặt khác, các sản phẩm OCOP cũng được ưu tiên phát triển theo các sản phẩm làng nghề, sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị ngành hàng, trái cây đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm khởi nghiệp… Vì vậy, sản phẩm OCOP của Vĩnh Long rất có thế mạnh trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Trúc Linh - Chủ cơ sở sản xuất và phân phối Tuấn Linh (huyện Tam Bình, Vĩnh Long) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho biết: Từ lúc sản phẩm của cơ sở được chứng nhận OCOP và được sử dụng, in, dán nhãn hiệu và thứ hạng sao OCOP lên bao bì sản phẩm thì việc tiêu thụ sản phẩm ngày càng tăng lên. Cơ sở đã đầu tư máy móc thiết bị, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để vừa khẳng định thị phần trong nước và chủ động hướng đến thị trường ở nước ngoài. Sắp tới đây, cơ sở cũng sẽ hoàn thiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP để “nâng sao”.
Để sản phẩm OCOP phát triển bền vững
Sau 3 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP Vĩnh Long đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Có 74 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (27 sản phẩm đạt 4 sao và 47 sản phẩm đạt 3 sao) với 56 chủ thể (12 hợp tác xã, 13 công ty và 31 hộ kinh doanh). Dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan, song, phát triển sản phẩm OCOP vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở NN&PTNT tỉnh, sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn còn manh mún, nhỏ lẻ; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh đối với sản xuất nông nghiệp ngày càng lớn và khó dự đoán. Việc tiếp cận công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại của các tổ chức, cá nhân có sản phẩm tham gia chương trình OCOP còn gặp nhiều khó khăn nên chưa đủ điều kiện phát triển sản phẩm với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường. Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất.

Các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm. (Ảnh: T.L)

Các cơ sở, doanh nghiệp có sản phẩm OCOP không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm. (Ảnh: T.L)

Ông Nguyễn Quốc Phong - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Đã có nhiều tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia Chương trình OCOP nhưng quy mô, năng lực quản trị còn nhỏ và yếu, thiếu kiến thức về kinh tế thị trường và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị. Các chủ thể sản xuất mới chỉ tập trung vào hoàn thiện hồ sơ mà chưa quan tâm cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quảng cáo tìm kiếm thị trường. Vì vậy, khả năng cạnh tranh của sản phẩm OCOP chưa đạt kết quả như mong muốn.
Anh Nguyễn Tường Nam - Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân trẻ Vĩnh Long chia sẻ: Để nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, các tổ chức, cá nhân, DN có sản phẩm OCOP cần tổ chức các điểm giới thiệu sản phẩm nhằm trực tiếp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng thông qua chương trình xúc tiến thương mại như hội chợ, hội nghị khách hàng; các điểm tham quan, du lịch… để khách hàng có thể tự trải nghiệm, lưu giữ tình cảm về sản phẩm. Nếu sản phẩm tốt thì chính họ sẽ là những người truyền thông tốt giới thiệu cho bạn bè, người thân về sản phẩm và đặt mua hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, chương trình OCOP được xem là sân chơi của các sản phẩm chất lượng cao. Đây sẽ là điều kiện để các sản phẩm nông nghiệp có cơ hội vươn ra thị trường thế giới và có tiềm năng phát triển mạnh đến năm 2030 tuy nhiên, các địa phương cần phải đi vào thực chất có thể nâng tầm sản phẩm OCOP phát triển một cách bền vững.
“Việc triển khai thực hiện chương trình OCOP không thể vội vàng và phải được thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo. Đây là chương trình không chỉ dành riêng cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực thành thị, thông qua việc thực hiện sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy nguồn lực tại địa phương. Để chương trình này phát triển bền vững, Trung ương cần sớm ban hành cơ chế, chính sách cụ thể, đồng bộ giữa các tỉnh, thành trong cả nước để tạo điều kiện cho các địa phương bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách của tỉnh cho Chương trình OCOP”. ông Nguyễn Văn Liêm cho biết thêm.
Từ ngày 22- 26/6 tới đây, TP Cần Thơ sẽ tổ chức “Tuần lễ OCOP và các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam năm 2022”. Sự kiện nhằm tạo điều kiện trao đổi, hỗ trợ DN, hợp tác xã, làng nghề, cơ sở sản xuất sản phẩm chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Đây cũng là cơ hội giúp các DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất vùng ĐBSCL nói chung và Vĩnh Long nói riêng giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tăng cường kết nối, giao thương hợp tác, phát triển sản xuất, nâng tầm sản phẩm OCOP tạo sự phát triển bền vững.
Hòa Minh - T.L
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm